Hiệu quả thực chất

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:19, 10/03/2020

(HNM) - Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, tăng số doanh nghiệp, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Trong những năm qua, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng phát triển rất mạnh mẽ. Năm 2012, Việt Nam chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thì đến năm 2019 là hơn 3.000 doanh nghiệp.

Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và trên trường quốc tế, thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách như cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ kinh phí để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tư vấn sở hữu trí tuệ…

Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn nhất là vấn đề tiếp cận nguồn vốn, bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp hầu hết chưa có đủ điều kiện để tổ chức tín dụng xem xét cho vay. Thực tế, các ưu đãi về đất đai, thuế cũng chưa thật sự phù hợp, do các doanh nghiệp khởi nghiệp thời gian đầu chưa phát sinh thu nhập chịu thuế, ít có nhu cầu về đất mà cần mặt bằng có sẵn để làm không gian, văn phòng. Vấn đề đặt ra nữa là các chương trình, dự án hiện có hầu hết tập trung vào khâu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, nhưng sau khi hoàn thiện thì việc đưa sản phẩm ra thị trường gặp không ít trở ngại, hiệu quả đạt được không cao…

Do đó, việc mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sẽ là cú hích mạnh mẽ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển với đúng tiềm năng, thế mạnh vốn có. Yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành, địa phương cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp phát triển theo hướng bền vững, thực chất.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên là tạo nguồn lực vững chắc cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng nhiều kênh khác nhau. Thực tế, nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, nên cần có nguồn vốn tài trợ ban đầu - "vốn mồi" cho mỗi dự án để tạo nền tảng thu hút nguồn lực khác. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển hơn nữa các quỹ đầu tư mạo hiểm, bởi bản chất của đầu tư cho khởi nghiệp cũng là đầu tư mạo hiểm.

Công tác thông tin, truyền thông cũng cần được chú trọng. Thông qua Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia và những kênh khác, cần đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp kịp thời những thông tin mà người khởi nghiệp cần như về cơ chế và chính sách hỗ trợ, nhà đầu tư, trung tâm ươm tạo, doanh nhân và doanh nghiệp thành công… Qua đây để tăng cường sự kết nối một cách tự động, thường xuyên các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và các nước. 

Đối với các nhà khởi nghiệp, cần xây dựng một hệ sinh thái với ý tưởng khác biệt, có ý tưởng đổi mới sáng tạo để khi nhà đầu tư nhìn vào sẽ thấy được tiềm năng. Do đó, những người trẻ, đặc biệt là đội ngũ sinh viên mới ra trường, ngoài các kiến thức chuyên môn được học trong nhà trường, cần chủ động tiếp cận, trau dồi các tri thức trong lĩnh vực khởi nghiệp, như: Lập kế hoạch kinh doanh, đánh giá nhu cầu thị trường, thuyết trình kêu gọi đầu tư…

Khởi nghiệp luôn là bước đi đầu tiên khó khăn, nhưng với những hỗ trợ từ các cấp, ngành và sự tự tin, nỗ lực của chính người khởi nghiệp chắc chắn sẽ mang đến những thành công và hiệu quả thực chất.

Bắc Vũ