Nghĩa cử cao đẹp giữa mùa dịch
Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 10/03/2020
Sản xuất, phát miễn phí hơn 40.000 khẩu trang
Vào những ngày trung tuần tháng 2 đến đầu tháng 3-2020, xưởng sản xuất áo mưa Khải Hoàn với diện tích khoảng 400m2 ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối do chị Lê Thị Thắm làm chủ nhộn nhịp hơn thường lệ. Thế nhưng, điều khác lạ là xưởng sản xuất khẩu trang vải chứ không phải áo mưa như thường thấy.
Chị Lê Thị Thắm (sinh năm 1985) đã gắn bó với nghề sản xuất áo mưa gần 10 năm nay. Sản phẩm của gia đình chị được cung cấp cho nhiều nơi trên địa bàn thành phố và được nhiều đơn vị tin dùng, đặt mua với số lượng lớn. Những ngày sau Tết Nguyên đán Canh Tý, chứng kiến cảnh người dân chen lấn mà không mua được khẩu trang, một mặt hàng thiết yếu để phòng dịch Covid-19, chị Thắm rất trăn trở.
“Ở khu vực gia đình tôi sinh sống có tới 20 cửa hàng thuốc, nhưng có thời điểm không cửa hàng nào còn khẩu trang y tế để bán. Trong khi đó không ít cửa hàng, đơn vị tăng giá khẩu trang y tế lên gấp nhiều lần làm cho nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh vất vả đi mua khẩu trang cho con em mình. Sẵn có xưởng may, tôi bàn với gia đình chuyển từ sản xuất áo mưa sang may khẩu trang vải để phát miễn phí cho học sinh trên địa bàn cùng người thân, bạn bè sử dụng phòng trừ dịch bệnh”, chị Lê Thị Thắm chia sẻ.
Nghĩ là làm, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là xưởng sản xuất vẫn phải đi thuê, song chị Thắm đã chi hơn 200 triệu đồng để mua sắm thiết bị, nguyên liệu…, thực hiện ý tưởng này. Với nhiều năm làm nghề sản xuất áo mưa, những tưởng việc may chiếc khẩu trang vải là điều đơn giản, nhưng thực tế lại chẳng dễ dàng. Bản thân chị Thắm chưa có kinh nghiệm may khẩu trang vải, mà công nhân do nhiều năm không còn may quần áo, nên chưa có kỹ thuật tốt về gấp ly - khâu quyết định mặt thẩm mỹ của sản phẩm khẩu trang. Vì thế, chị phải hủy bỏ những chiếc khẩu trang đầu tiên vì vừa rúm ró, vừa méo mó. Sau nhiều lần sửa đi sửa lại, chị Thắm đã cùng các công nhân tìm ra cách may những chiếc khẩu trang ưng ý với 4 lớp bằng vải không dệt - loại vải chuyên sử dụng để sản xuất khẩu trang.
Đây là một trong những thiết bị y tế giúp người dân phòng, chống dịch Covid-19, vì thế chất lượng luôn là yếu tố hàng đầu của mỗi sản phẩm khẩu trang. Chị Thắm đã cất công mang những chiếc khẩu trang tự sản xuất đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) để kiểm định. Kết quả cho thấy, khẩu trang do xưởng của chị sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Từ ngày 11-2, chị bắt đầu sản xuất hàng loạt. Lúc đầu, chị Thắm dự định sản xuất hơn 10.000 chiếc để phát miễn phí, nhưng nhu cầu khẩu trang của người dân rất lớn, nên chị quyết định nâng số lượng lên hơn 40.000 chiếc. Việc làm của chị nhận được sự hưởng ứng của nhiều người xung quanh. Hằng ngày, các thành viên trong Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã Hải Bối đã đến hỗ trợ chị, giúp làm các công đoạn như cắt, nhặt chỉ thừa, xịt cồn khử trùng khẩu trang và đóng gói sản phẩm. Trước cửa xưởng luôn có một thùng đựng khẩu trang thành phẩm để bất kỳ người dân nào đi qua cũng có thể tự tay lấy về sử dụng.
Lan tỏa những điều tốt đẹp
Để bảo đảm đủ số lượng khẩu trang vải không dệt phát miễn phí cho học sinh trên địa bàn trước ngày trở lại trường, lao động tại xưởng của chị Thắm thường xuyên phải tăng ca, nhiều hôm đến 22h mới nghỉ. Những ngày đầu, hơn 20 nhân công của xưởng chỉ sản xuất được khoảng 1.700 chiếc khẩu trang/ngày, thì những ngày gần đây con số này đã tăng lên 3.000 chiếc. Mặc dù phải làm việc vất vả, nhưng tất cả đều cảm thấy vui. “Tăng ca ai cũng mệt, nhưng nghĩ tới việc những sản phẩm khẩu trang do mình làm ra đến với nhiều người để phòng, chống dịch bệnh thì tôi lại cố gắng hơn” - chị Nguyễn Thị Trang, một thợ may tại xưởng tâm sự.
Còn bà Nguyễn Thị Lễ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cổ Điển cho biết: "Trước việc làm ý nghĩa của chị Thắm, tôi cùng một số phụ nữ trong thôn đến góp thêm một phần công sức. Tôi cũng rất vui vì những chiếc khẩu trang đạt chất lượng đến được với nhiều người, góp phần phòng, chống dịch bệnh".
Đến thời điểm này, hơn 30.000 chiếc khẩu trang vải không dệt đã được phát đến tay người dân, công nhân trên địa bàn xã Hải Bối. Không chỉ vậy, chị Thắm còn hỗ trợ 2.000 chiếc khẩu trang cho Đoàn Thanh niên xã Kim Nỗ, địa bàn lân cận với xã Hải Bối. 10.000 chiếc khẩu trang khác dành cho học sinh cũng được hoàn tất. Trước khi học sinh trở lại trường, mới đây gia đình chị phối hợp với UBND xã Hải Bối phát đến trường học.
Tạm dừng việc sản xuất áo mưa đồng nghĩa với việc chị Thắm không thể trả đơn hàng đúng hẹn. Tuy nhiên, khi biết việc làm đầy sự sẻ chia của chị, các khách hàng đều thông cảm. Còn với chị Lê Thị Thắm thì: “Nhìn nét mặt phấn khởi của bà con khi nhận khẩu trang, tôi và những người lao động của xưởng rất hạnh phúc, vì đã có chút đóng góp cho cộng đồng. Tôi hy vọng việc làm của mình có thể lan tỏa một phần đến xã hội”.
Chị Vũ Thị Hương (ở xóm 3, thôn Cổ Điển có con học tại Trường THCS Hải Bối) cho hay, giữa thời điểm rất khó để mua khẩu trang, việc làm của chị Thắm mang rất nhiều ý nghĩa. Hơn thế, việc làm đó còn thể hiện sự quan tâm của chị đến sức khỏe của trẻ nhỏ nói riêng và cộng đồng nói chung. Còn bà Lê Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hải Bối nhận xét, việc làm của chị Thắm rất thiết thực, kịp thời bảo vệ sức khỏe người dân địa phương. Chị đã dành thời gian, tiền bạc, công sức và cả tâm huyết vì cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối Nguyễn Hữu Thụ, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc công bố dịch Covid-19 tại Việt Nam, chị Thắm đã báo cáo với chính quyền địa phương về ý tưởng sản xuất khẩu trang vải không dệt phát miễn phí và được chính quyền ủng hộ, thông báo rộng rãi trong nhân dân. Chị Thắm và gia đình tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại thôn, xóm. Cơ sở sản xuất của chị tạo việc làm, với thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Từ việc làm rất đáng trân trọng của chị Thắm và gia đình, UBND xã Hải Bối đã đề xuất với UBND huyện Đông Anh khen thưởng gương người tốt - việc tốt đối với chị Lê Thị Thắm.