Giữ bình tâm trước “dịch thông tin”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:49, 11/03/2020
1. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng gọi chủng vi rút mới là “bệnh dịch về thông tin”, bởi nó không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của con người, mà còn là căn nguyên của những “hung tin” khiến người dân hoang mang. Đây cũng là điều khiến dịch Covid-19 khác biệt với các đợt bùng phát dịch trước đó.
Với người dân Hà Nội, Việt Nam cũng không nằm ngoài “tâm dịch” thông tin trên mạng xã hội. Sự lo lắng là dễ hiểu, bởi ai cũng quan tâm đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, sự lo lắng thái quá do tiếp nhận thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội khiến sự việc thêm rối rắm và bị xô lệch, bóp méo so với thực tế. Có thể thấy, sau khi có thông tin về một ca nhiễm Covid-19 mới, trên các trang mạng xã hội lan tỏa rất nhanh thông tin và cảm xúc nhiều chiều. Điều đáng nói, không chỉ những người thiếu hiểu biết mà cả một bộ phận cán bộ, viên chức, người có chức sắc, địa vị cũng a dua đăng tải hay chia sẻ hình ảnh, thông tin thiếu kiểm chứng; không hiểu nguồn thông tin mình chia sẻ từ đâu.
Thời đại công nghệ thông tin phát triển, không thể cấm cản việc tham gia mạng xã hội. Nhưng điều đáng suy nghĩ ở đây là rất nhiều người đã thẳng tay "quăng" lời bình chưa kiểm chứng, hay những bức ảnh sưu tầm được qua các nguồn chưa được kiểm chứng, rồi những thông tin, hình ảnh kiểu "hổ lốn" đó lại được gửi đi theo cấp số nhân khiến cho tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp.
Trước những “tin vịt” trên mạng xã hội, vì quá lo lắng mà một bộ phận người dân hành động thiếu khôn ngoan, a dua theo số đông. Dẫn chứng của việc này là ngay khi có thông tin về ca bệnh Covid-19 thứ 17 thì từ sáng sớm hôm sau, tại các cửa hàng tạp hóa, nhiều người dân Hà Nội xếp hàng dài chờ mua hàng hóa, nhu yếu phẩm nhằm tích trữ phòng dịch.
2. Hoang mang, bất an liệu có thể đẩy lùi được dịch Covid-19 hay không? Tất cả chúng ta đều có chung một câu trả lời: “Không thể!”. Vậy thì thay vì những hoang mang lo lắng một cách quá mức, có thể tạo nên những hoảng hốt không đáng có cho cả cộng đồng, mỗi người hãy giữ vững tinh thần, hãy bình tâm để trao cho nhau năng lượng tích cực, từ đó cùng với người thân, bạn bè và chính quyền thành phố đối phó với thách thức phía trước một cách chủ động, sáng suốt.
Bình tâm để mỗi chúng ta có thể góp phần mình vào việc giảm bớt gánh nặng cho những người đang đứng trên tuyến đầu chống dịch; để hiểu, sẻ chia và đặt niềm tin vào chính quyền thành phố với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thể hiện bằng những giải pháp quyết liệt trong thời gian vừa qua.
Bình tâm để không bị cuốn vào vòng xoáy của “bệnh dịch thông tin”; giúp mỗi chúng ta có sự lựa chọn sáng suốt, vừa bảo vệ bản thân, vừa giúp người thân chống dịch hiệu quả nhất. Bình tâm để chúng ta thấy rằng, cách phòng, chống Covid-19 hữu hiệu nhất là sẵn sàng cách ly, khai báo, sẻ chia và làm theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế…
Trong bối cảnh của “thế giới phẳng”, thông tin liên tục ùa về như những cơn sóng mà trong đó có cả tích cực, tiêu cực, trái chiều, thậm chí thông tin ngụy tạo, với những dụng ý xấu. Bình tâm chọn lọc thông tin đúng, chính xác cho mình và trao gửi niềm tin và lòng nhân ái trên các trang mạng chính là cách ứng xử có trách nhiệm với cộng đồng. Những tín hiệu được phát đi từ Facebook hay các trang mạng xã hội nếu không chính xác mà được chia sẻ như một trào lưu ắt sẽ tạo thành những cơn bão “tin đồn” và có thể mang đến những hậu quả khủng khiếp cho cộng đồng. Bởi thế, một thái độ và hành động chuẩn mực, nhất là khi chưa rõ nguồn tin thì cần thẩm định lại qua các cơ quan, tờ báo, trang thông tin điện tử chính thống. Chính mình hiểu rõ thông tin, các chủ trương, quy định, cũng chính là để bảo vệ bản thân và gia đình, cũng là đồng hành cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Mỗi người bình tĩnh, nhiều người bình tĩnh... sẽ tạo nên một tâm thế vững vàng, một ý chí quyết tâm cao độ trong trận chiến "giặc Covid-19"!