Tháng 6, đưa vào sử dụng hai trạm xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch

Xã hội - Ngày đăng : 15:13, 21/02/2005

Theo Ban quản lý dự án Thoát nước Hà Nội, năm 2005 là năm cuối cùng thực hiện và hoàn thành Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1. Ðến thời điểm này, đã có 15/16 gói thầu của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả phục vụ việc thoát nước, chống úng ngập cho thành phố Hà Nội trong mùa mưa. Hiện tại, chỉ còn duy nhất gói thầu CP12, xây dựng hai trạm xử lý nước thải Kim Liên và Trúc Bạch đang được khẩn trương thi công.

Theo Ban quản lý dự án Thoát nước Hà Nội, năm 2005 là năm cuối cùng thực hiện và hoàn thành Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1. Ðến thời điểm này, đã có 15/16 gói thầu của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả phục vụ việc thoát nước, chống úng ngập cho thành phố Hà Nội trong mùa mưa. Hiện tại, chỉ còn duy nhất gói thầu CP12, xây dựng hai trạm xử lý nước thải Kim Liên và Trúc Bạch đang được khẩn trương thi công.

Với tổng mức đầu tư 1 tỷ 67 triệu Yên và 10 tỷ 440 triệu đồng bằng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản, hai trạm xử lý nước thải Kim Liên và Trúc Bạch có công suất xử lý nước thải 6.000m3/ngày, đêm. Trong đó, trạm xử lý nước thải Kim Liên có diện tích chiếm đất là 2.572m2, tại phố Ðông Tác, phường Kim Liên, quận Ðống Ða với công suất xử lý nước thải 3.700m3/ngày, đêm. Trạm xử lý nước thải Trúc Bạch có diện tích chiếm đất là 1.777m2 tại phường Trúc Bạch quận Ba Ðình, với công suất xử lý nước thải 2.300m3/ngày, đêm. Công nghệ xử lý nước thải tại hai nhà máy này là công nghệ sinh học đã và đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Theo đó, quá trình xử lý nước thải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình gồm: nước thải được dẫn vào- ngăn bỏ sỏi, sạn- bể điều hoà- bể lắng sơ bộ- bể phản ứng kỵ khí- bể phản ứng hiếm khí. Do yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường, vì vậy phương pháp xử lý nước thải đã được chọn với công nghệ lọc bằng than hoạt tính với quy trình vận hành đưa nước thải qua các bể lắng, lọc, vớt rác tự động... vận hành dễ, tiết kiệm điện năng. Mùi được kiểm soát qua hệ thống nắp đậy, ống thu, quạt gió thu gom về hệ thống khử mùi bằng than hoạt tính. Tiếng ồn và độ rung của các thiết bị rất nhỏ do đều được đặt ngầm dưới lòng đất. Việc vận chuyển bùn rác sẽ được chuyên chở bằng các xe kín chuyên dụng, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, tại các trạm xử lý đều được trồng nhiều cây xanh, thảm cỏ để bảo đảm cảnh quan môi trường cho khu vực.

Ông Nguyễn Văn Cường, phó giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội cho biết, công trình do liên danh nhà thầu EBARA (Nhật Bản) và VINACONEX đảm nhiệm việc thi công. Ðến thời điểm này, đã xây xong phần thô, trong đó các bể (bể điều hoà, bể nén bùn, bể sinh học) của cả 2 trạm đã thi công xong, đang lắp đặt thiết bị, thử nước kết hợp với chống thấm lòng bể. Nhà điều hành của cả 2 trạm xử lý nước thải cũng đã xây dựng xong phần thô và đang lắp đặt thiết bị điều khiển. Tại trạm xử lý nước thải Trúc Bạch, đã thi công xong hệ thống ga dẫn, cống hộp chuyển nước thải vào trạm, hệ thống cống thu phi 600 trên đường Trấn Vũ đã thi công xong 40% khối lượng công việc. Hệ thống cống, ga dẫn cũng đã cơ bản thi công xong, hiện tại đơn vị thi công đang khẩn trương thi công hạng mục đường ống dẫn nước từ trạm bơm Kim Liên về trạm và sẽ hoàn thanh trong tháng 2 này.

Cũng theo ông Cường, toàn bộ thiết bị của 2 trạm xử lý nước thải đều là thiết bị nhập khẩu và chất lượng các lô hàng trên được kiểm tra chặt chẽ bởi Công ty tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) và Cục quản lý chất lượng Việt Nam. Tháng 6 tới, Sở GTCC sẽ tổ chức lớp đào tạo cán bộ vận hành trạm trong thời gian 3 tháng và do chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn. Dự kiến, đến ngày 30/5 tới, 2 trạm xử lý nước thải đầu tiên của Hà Nội sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng có gần 30.000 người dân được cải thiện về điều kiện môi trường. Sau khi 2 trạm xử lý nước thải thí điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng, thành phố dự kiến sẽ xây dựng thêm 5 trạm xử lý tiếp theo với công suất từ 60.000 đến 150.000m3/ngày, đêm.

T.Quý

THANHCHUNG