Tăng cường phối hợp kiểm soát nguồn gốc thủy sản

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:22, 11/03/2020

(HNM) - Để cung cấp nguồn thủy sản tươi sống bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng, thời gian qua, Hà Nội tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố về lĩnh vực thủy sản nhằm kiểm soát nguồn gốc xuất xứ mặt hàng này khi tiêu thụ…

Theo bà Nguyễn Thị Vĩnh An - nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH Lâm sản và Dịch vụ Long Giang (tỉnh Tuyên Quang), trung bình mỗi tháng công ty cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 6 tấn cá sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP. Còn ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang có 12 chuỗi thực phẩm an toàn, mỗi năm cung cấp 1.649 tấn sản phẩm thủy sản, thịt, chè, rau, quả… trong đó, khoảng 500-600 tấn thủy sản cho Hà Nội.

Nhằm kiểm soát nguồn gốc thủy sản từ các tỉnh về Hà Nội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết: Để bảo đảm nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thủy sản, tại chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành ở chợ cá Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai), lực lượng liên ngành của thành phố đã tăng cường khâu kiểm dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi ngày có khoảng 80-90 tấn thủy sản các loại từ các tỉnh đưa về chợ cá Yên Sở, sau đó được tiểu thương mang tới các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố. Kết quả kiểm tra, kiểm soát cho thấy, các phương tiện, dụng cụ vận chuyển thủy sản từ các tỉnh: Hải Dương, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng… khi vào chợ đều xuất trình được hồ sơ truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Tuy nhiên, cũng có một thực tế tại một số địa phương chưa hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung dẫn tới việc kiểm soát chất lượng còn hạn chế. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn, do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nuôi trồng chưa cao nên khó kiểm soát tình hình dịch bệnh; việc liên kết giữa doanh nghiệp của Hà Nội với người sản xuất, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản ở các địa phương còn lỏng lẻo nên nhiều thời điểm xảy ra tình trạng cung cấp hàng hóa chưa đúng với hợp đồng đã ký, vì vậy gây khó khăn cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…

Để đẩy mạnh liên kết trong kiểm soát nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, theo đề nghị của ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình: Chi cục Thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cần tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình trong quản lý, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy sản, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản. Đồng thời phối hợp tốt hơn nữa trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng cường thanh tra xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xung điện trong khai thác, đánh bắt thủy sản tại sông, hồ…

Về phía doanh nghiệp, theo kiến nghị của bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành: Sở NN&PTNT Hà Nội và các tỉnh cần hỗ trợ người dân, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi trồng; chú trọng việc ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc, thu hoạch... nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Trước thực tế trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phối hợp trao đổi thông tin và kinh nghiệm về quy hoạch nuôi trồng thủy sản với các tỉnh, thành phố; đồng thời tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm trong nuôi trồng sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch… Mặt khác, Hà Nội mong muốn các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để thuận lợi cho công tác kiểm soát chất lượng…

Ngọc Quỳnh