Những người chạy đua với thời gian

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:10, 12/03/2020

(HNM) - Chạy đua với thời gian, không cho phép bị thất bại, Học viện Quân y và Công ty Việt Á đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit “made in Vietnam” để phát hiện chủng vi rút corona mới. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn giữa lúc dịch Covid-19 đang là mối lo ngại trên toàn cầu. Thành công này khẳng định tài năng, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học Việt Nam trước những mối lo lớn của cộng đồng.

PGS.TS Hồ Anh Sơn và nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y.

Nỗ lực không mệt mỏi

Giữa lúc dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội, số lượng bộ kit xét nghiệm ở Việt Nam vừa ít ỏi, vừa phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, thì bộ kit “made in Vietnam” xuất hiện như một phép màu.

Bộ sinh phẩm này là sản phẩm thuộc Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm “RT-PCR và real-time RT-PCR” phát hiện chủng vi rút corona mới (2019-nCoV)” do Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y làm chủ nhiệm, cùng nhóm nghiên cứu của Viện tiến hành.

Ngay từ cuối tháng 12-2019, khi ở Vũ Hán (Trung Quốc) xuất hiện những ca bệnh viêm phổi lạ đầu tiên bị tử vong chưa rõ nguyên nhân, thì những cán bộ của Học viện Quân y đã chủ động tìm hiểu, xây dựng kế hoạch nghiên cứu. Đến cuối tháng 1-2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong buổi họp khẩn với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu bàn về các định hướng nghiên cứu góp phần phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý với đề xuất của Học viện Quân y, để Học viện là đơn vị chủ trì nghiên cứu và phát triển bộ kit chẩn đoán nhanh, chính xác vi rút corona chủng mới.

Thông thường, một sản phẩm xét nghiệm vi rút phải mất khoảng 2 năm nghiên cứu và 2 năm để chuyển giao sản xuất, tối ưu quy trình, nghiệm thu, đăng ký sản phẩm, nhưng vì dịch Covid-19 bùng lên với tốc độ lây lan khó kiểm soát và sự chờ đợi kit thử để sớm sàng lọc bệnh nhân, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã nỗ lực làm việc không mệt mỏi.

Theo PGS.TS Hồ Anh Sơn, nếu tính tổng thời gian nghiên cứu và hoàn thiện (kể cả thời gian nghiên cứu trước khi Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ), nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y chỉ có vỏn vẹn 2 tháng. Trong quá trình nghiên cứu bộ kit, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự hỗ trợ tận tình của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Thực tế, nhiều bộ kit trên thế giới sử dụng các mẫu tổng hợp gene trong phòng thí nghiệm thì được, nhưng khi triển khai trên mẫu bệnh phẩm thực tế lại bị lỗi. Rất may, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã nuôi cấy SARS-CoV-2 thành công trên mẫu bệnh phẩm của người bệnh Việt Nam. Kết quả này đã giúp nhóm nghiên cứu đẩy nhanh hơn quá trình nghiên cứu, chế tạo và đánh giá bộ kit trên chính người bệnh trong nước, nên thuận lợi hơn rất nhiều. “Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã giúp chúng tôi 2 mẫu vi rút rất quý, đó là mẫu SARS-CoV-1 (gây ra đại dịch SARS năm 2003) và SARS-CoV-2 (gây ra dịch Covid-19). Hai mẫu này vô cùng quan trọng, vì ngay cả việc phân biệt được 2 con vi rút cùng chủng corona này, đã là một việc làm khó rồi. Nếu không có 2 mẫu này, chúng tôi không thể nghiên cứu bộ kit thành công nhanh như vậy”, PGS.TS Hồ Anh Sơn cho biết. 

Niềm hạnh phúc lớn lao

Những ngày đêm miệt mài trong phòng thí nghiệm, cả nhóm nghiên cứu đã làm việc với tinh thần của người lính, không cho phép bản thân nghĩ đến thất bại. Tinh thần đó khiến tất cả thành viên trong nhóm phải tìm mọi con đường, chạy đua với thời gian. Dù đã thực hiện không ít đề tài trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, song với đề tài chế tạo bộ kit chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2 phải thực hiện với thời gian rất gấp, trong bối cảnh cả nước và thế giới đều căng thẳng phòng, chống dịch, đã mang đến cho PGS.TS Hồ Anh Sơn những cảm xúc vô cùng đặc biệt. 

“Kể từ ngày 7-2-2020, khi được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ, chúng tôi chỉ có 2 tuần để có bộ kit thử nghiệm và sau một tháng có sản phẩm sử dụng. Để làm được việc này, chúng tôi phải tăng hiệu suất làm việc lên gấp 3 lần. Quy trình sản xuất kit chẩn đoán vi rút được Tổ chức Y tế thế giới và các nước công bố, các nhóm đều có thể tham gia nghiên cứu. Song, để nghiên cứu ra sản phẩm có thể sử dụng được, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác và không dễ dàng. Bất kể là đêm hay ngày, chúng tôi gần như “cấm trại”, tập trung cao độ vào công việc. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt tiến độ 3 ngày”, PGS.TS Hồ Anh Sơn trải lòng.

Trước ngày thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm ở Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y đặt câu hỏi: “Nếu thử nghiệm trên mẫu bệnh phẩm mà hỏng thì sao, các anh cần bao nhiêu thời gian để sửa lại?”. “Báo cáo Thủ trưởng, chúng tôi chưa từng nghĩ đến tình huống thất bại, vì chúng tôi không có cả thời gian để nghĩ đến điều đó. Chúng tôi chỉ nghĩ duy nhất một việc là phải hoàn thành nhiệm vụ”, PGS.TS Hồ Anh Sơn nhớ lại sự quả quyết của ông khi đó.

Thiếu tá, Tiến sĩ Hoàng Xuân Sử, Trưởng phòng Vi sinh và Các mầm bệnh sinh học, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y, Trưởng nhóm nghiên cứu khẳng định: “Chúng tôi rất tự tin vào sản phẩm của mình. Bộ kit này ứng dụng được tại nhiều địa bàn trên cả nước có hệ thống máy không cùng chủng loại...”.

Theo Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, bộ kit của Việt Nam có chất lượng tương đương bộ kit của Tổ chức Y tế thế giới, song ưu việt hơn về độ nhạy, độ đặc hiệu và tính ổn định. Cụ thể, kỹ thuật nhóm nghiên cứu sử dụng là sự tích hợp các thử nghiệm, nên chỉ cần một phép thử, tránh những thao tác dẫn đến kết quả không chính xác. Sự tích hợp này giúp rút ngắn thời gian, ít bước xét nghiệm, nên chi phí giá thành bộ kit giảm hơn.

Kết quả nghiên cứu, chế tạo bộ kit “real-time RT-PCR one step” chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2 với 8/8 thành viên của Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia đồng ý thông qua. Trong khi đó, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết thêm, đây là bộ kit phát hiện chủng vi rút corona mới đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Bằng cái tâm, cái tài của người làm khoa học, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực hết sức để làm ra sản phẩm tốt nhất. “Chúng tôi dốc sức nghiên cứu, sản xuất bộ kit cũng chỉ để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. Góp phần khống chế thành công sự bùng phát của dịch Covid-19, hẳn đó là điều hạnh phúc lớn lao nhất của chúng tôi lúc này”, PGS.TS Hồ Anh Sơn nhấn mạnh.

Thu Hằng