Những ngôi chùa là cơ sở cách mạng trong thời kỳ xây dựng Đảng

Đời sống - Ngày đăng : 16:06, 12/03/2020

(HNMCT) - Kể từ khi Chi hội Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên được tổ chức (cuối năm 1926) đến khi Đảng bộ Hà Nội ra đời (17-3-1930), nhiều địa điểm ở Hà Nội là cơ sở cách mạng, nơi hoạt động bí mật của những đảng viên Chi bộ 5D Hàm Long và Đông Dương cộng sản Đảng, trong đó có chùa Vua và chùa Hương Tuyết (quận Hai Bà Trưng).

Chùa Vua và dấu ấn của đồng chí Nguyễn Phong Sắc

Chùa Vua và pho tượng Đế Thích.

Chùa Vua (hay còn gọi là chùa Hưng Khánh), tọa lạc trên đất làng Thịnh Yên, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay là phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời Lê sơ (1428 - 1527). Hiện nay, quần thể kiến trúc chùa gồm: Điện Thiên đế thờ Đế Thích, chùa Hưng Khánh thờ Phật, nhà thờ Mẫu. Chùa còn lưu giữ 14 pho tượng đẹp bằng gỗ hoàng đàn, nổi bật nhất là pho tượng Đế Thích cao khoảng 1,6m, hai chóe lớn có từ thời Lê, một tượng Cửu Long chạm trổ tinh vi...

Những năm 1926 - 1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã đến chùa, gây dựng cơ sở. Cuối năm 1926, đồng chí gia nhập chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên gồm 11 người, do đồng chí Nguyễn Công Th­­­­u làm Bí thư. Ngôi nhà 152 Bạch Mai trở thành cơ sở cách mạng, ít lâu sau là nơi Tổng bộ và Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ họp. Đồng chí còn đưa cho tổ chức một nửa số tiền lương hằng tháng để giúp việc in ấn, mua sách báo, tài liệu trong điều kiện tài chính của tổ chức rất khó khăn. Tháng 3-1927, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ được thành lập, sau đó, tháng 6-1927, Tỉnh bộ của Hà Nội thành lập. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Tỉnh bộ. Tỉnh bộ Thanh niên tiếp tục phát triển chi hội ở các vùng ven nội và cả nội thành như xưởng sửa chữa ô tô Aviat, số nhà 11 phố Wielé (nay là Tô Hiến Thành), số nhà 25 ngõ Liên Trì... Sau đó, các cơ sở bí mật tiếp tục được gây dựng ở chùa Hương Tuyết (phố Bạch Mai), chợ Đuổi, phố Đại La...

Sau Đại hội Kỳ bộ Bắc kỳ (28-9-1928), tháng 4-1929, tại số nhà 68 Nam Đồng, Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật tiến hành đại hội để kiện toàn tổ chức và thảo luận phương hướng hoạt động mới theo chủ trương vô sản hóa. Đại hội bầu lại cơ quan lãnh đạo Tỉnh bộ Thanh niên và đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ. Trong quá trình hoạt động từ 1926 đến trước khi vào Trung kỳ chỉ đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, chùa Vua là địa điểm mà đồng chí Nguyễn Phong Sắc thường lui tới, cất giấu tài liệu bí mật. Do đó, chùa Vua được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa. Ngày 1-10-2004, chùa được gắn biển Di tích cách mạng - kháng chiến.

Chùa Hương Tuyết

Chùa Hương Tuyết.

Chùa Hương Tuyết được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, lúc đó thuộc huyện Hoàn Long, ngoại thành Hà Nội. Hiện nay chùa vẫn tọa lạc trên đất xưa, trong ngõ Chùa Hương Tuyết, phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng).

Quần thể kiến trúc chùa bao gồm chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách. Chùa còn lưu giữ chuông đồng, bia đá thời Nguyễn và trên 50 pho tượng tròn, được tạo tác vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX... được chạm khắc tứ linh, tứ quý, rồng chầu, hổ phù rất tinh tế. 

Năm 1929, chùa Hương Tuyết là địa điểm liên lạc của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, sau đó, là cơ sở hoạt động của các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trần Học Hải, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung... Chùa còn là trụ sở của Ủy ban bãi công của công nhân xưởng Aviat. Ủy ban nhận chủ trương trực tiếp từ đồng chí Nguyễn Phong Sắc và đồng chí Ngô Gia Tự, chỉ đạo công nhân đấu tranh (từ 28-5-1929 đến 10-6-1929).

Xưởng Aviat là một xưởng sửa chữa và buôn bán ô tô lớn nhất Bắc kỳ đầu thế kỷ XX, nằm trên phố Rialan (nay là số 16 - 18 phố Phan Chu Trinh) có hơn 200 công nhân làm việc. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, công nhân Aviat đấu tranh quyết liệt đòi tăng lương, bỏ đánh đập, không được đuổi công nhân tham gia bãi công... Công nhân Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Mạo Khê, Vinh, Bến Thủy, Hà Đông, Ninh Bình... đồng lòng ủng hộ công nhân Aviat đấu tranh suốt 12 ngày và giành được thắng lợi. Đồng chí Ngô Gia Tự đánh giá trong cuộc họp tại chùa Hương Tuyết như sau: “Đây là một cuộc đấu tranh có tổ chức chặt chẽ do chi bộ cộng sản tổ chức và lãnh đạo, là kết quả của phong trào “vô sản hóa” được cán bộ thâm nhập vào công nhân, giáo dục và vận động quần chúng đấu tranh”.

Là các di tích lịch sử - văn hóa và cũng là di tích cách mạng - kháng chiến, ngôi chùa Vua và chùa Hương Tuyết đã ghi dấu ấn sâu sắc thời kỳ chuẩn bị mọi mặt về tổ chức và lực lượng, tiến tới thành lập Đảng.  

Phạm Kim Thanh