Không ngừng nỗ lực vì năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ
Chính trị - Ngày đăng : 06:46, 12/03/2020
Coi đổi mới là động lực
- Xin đồng chí cho biết khái quát về vai trò, vị trí của ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố trong quá trình trưởng thành của Đảng bộ Hà Nội 90 năm qua?
- Cùng với sự lớn mạnh của Đảng bộ, Ban Tổ chức Thành ủy và Tỉnh ủy Hà Đông, Sơn Tây, Hà Sơn Bình và sau này là Hà Tây cũng được thành lập với tên gọi khác nhau: Ban Đảng vụ, Ban Tổ kiểm (gồm Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra). Mặc dù số lượng cán bộ rất mỏng, nhưng cơ quan tiền thân của Ban Tổ chức Thành ủy đã thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; bố trí đội ngũ cán bộ phù hợp, tiến hành kiểm tra thực hiện các nguyên tắc của Đảng...
Ngày 31-8-1947, Thường vụ Trung ương Đảng quy định về nguyên tắc tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, phương pháp làm việc của tổ chức Đảng, đoàn thể, các cơ quan chuyên môn của Đảng. Quy định của Trung ương là cơ sở để Đảng bộ các địa phương thành lập Ban Tổ chức cấp ủy. Từ đó, công tác Tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố ngày càng có chiều sâu, tính chuyên môn cao hơn; đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn; góp phần đưa Thủ đô và đất nước giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nhìn lại những trang sử vẻ vang gần một thế kỷ qua, có thể khẳng định, công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ đã được Thành ủy Hà Nội quan tâm từ rất sớm, từ đó góp phần xây dựng Đảng bộ Thủ đô ngày càng lớn mạnh, trưởng thành.
- Trong hơn 30 năm đổi mới, ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố đã có những đóng góp gì nổi bật, thưa đồng chí?
- Như chúng ta đều biết, xây dựng Đảng xét cho cùng là xây dựng tổ chức và xây dựng con người, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Hơn 30 năm qua, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cũng như Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tây trước đây và sau năm 2008 hợp nhất đã tập trung xây dựng con người, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ nói chung. Nhờ có những giải pháp quyết liệt ở tất cả các khâu của công tác cán bộ như quy hoạch, đánh giá, đào tạo - bồi dưỡng, phân công, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ... nên giai đoạn nào, đội ngũ cán bộ thành phố cũng đủ năng lực, trình độ lãnh đạo, chỉ đạo; gương mẫu, xung kích đi đầu, dám nghĩ, dám làm. Nhờ đó, Hà Nội luôn luôn có đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Ví dụ tiêu biểu cho thấy nỗ lực của ngành Tổ chức xây dựng Đảng là khi Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính năm 2008, hợp nhất bộ máy với tỉnh Hà Tây, dù khối lượng công việc lớn, nhưng với bề dày kinh nghiệm và thực lực về chuyên môn, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu với Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy những giải pháp bài bản, khoa học và thực sự hiệu quả; không có bất kỳ đơn thư khiếu nại, tố cáo nào.
- Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, công tác tổ chức xây dựng Đảng có thêm nhiều việc mới, việc khó, nhưng Ban Tổ chức Thành ủy vẫn thực hiện hiệu quả. Đồng chí có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong vấn đề này là gì?
- Là cơ quan tham mưu giúp việc trực tiếp cho Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Tổ chức Thành ủy đã chú trọng đổi mới từ tư duy đến hành động, coi đổi mới là động lực. Đó có thể coi là kinh nghiệm của chúng tôi.
Nhờ tư duy đổi mới, Ban đã chủ động tham mưu, góp phần hình thành hệ thống quy chế, quy định trong công tác cán bộ của thành phố ngày càng chặt chẽ, khoa học, sát thực tiễn. Trong đó, nổi bật phải kể đến là đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt về công tác đánh giá cán bộ. Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 “Về việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị thành phố từ tháng 7-2018, đến nay, Quyết định 3814-QĐ/TU đã tạo bước đột phá trong công tác đánh giá cán bộ. Nhờ lấy “thước đo” là hiệu quả công việc nên đã khắc phục tình trạng cào bằng, hình thức trước đây.
Ngoài ra, Ban còn tham mưu phân cấp, ủy quyền rút số cán bộ Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp nhận xét, đánh giá từ khoảng 1.000 người/năm xuống còn hơn 260 người/năm, giúp việc nhận xét, đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý sát thực hơn. Bên cạnh đó, lần đầu tiên, trên cơ sở tham mưu của Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tiến hành đánh giá, phân loại đảng bộ cấp trên cơ sở, nhờ đó tăng cường trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các đảng bộ này...
Ngoài ra chúng tôi cho rằng, làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ, phải bảo đảm tuân thủ nghiêm các nguyên tắc. Khi tham mưu tổ chức bộ máy và sắp xếp cán bộ phải coi đoàn kết, thống nhất là mục tiêu hàng đầu. Chỉ có như vậy mới đề ra được các giải pháp cần thiết, đủ sức thuyết phục để cán bộ dù có thiệt thòi vẫn sẵn sàng chia sẻ với thành phố.
Quyết tâm lập thành tích chào mừng đại hội đảng
- Những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mà ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố sẽ tập trung thực hiện thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
- Nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành trong năm nay là góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, bám sát địa bàn. Trên cơ sở phân công cụ thể công việc, Ban sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, vừa phối hợp chặt chẽ, vừa giúp đỡ, hỗ trợ cơ sở thực hiện các bước, các khâu chuẩn bị và tổ chức đại hội bảo đảm đúng quy định và hoàn thành mục tiêu.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”, thường xuyên phối hợp rà soát, dự báo tình hình đề phòng phát sinh những vấn đề mới, những tổ chức cơ sở Đảng có khó khăn, phức tạp để giải quyết kịp thời, bảo đảm sự ổn định của Đảng bộ thành phố ngay từ cấp cơ sở.
Mặt khác, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, nên một mặt, Ban Tổ chức Thành ủy phải tham mưu về công tác cán bộ gắn với thực hiện Nghị quyết số 97/2019/ QH14 của Quốc hội khóa XIV về Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; mặt khác phải tích cực chuẩn bị để đề xuất tiếp với Quốc hội các cơ chế đặc thù cho thành phố...
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, nếu “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” thì công việc của Ban Tổ chức các cấp là “then chốt của then chốt”. Đồng chí suy nghĩ gì về điều này?
- Chúng tôi hiểu đây là sự tin tưởng và kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói chung, trong đó có ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố Hà Nội. Vì thế chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ đổi mới về công tác tổ chức xây dựng Đảng còn đặt ra rất nhiều ở phía trước, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII). Chưa kể thực tế công tác của ngành cũng vẫn còn không ít hạn chế cần phải rà soát, đánh giá và có giải pháp khắc phục triệt để.
Nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đảng bộ Hà Nội và của ngành Tổ chức xây dựng Đảng để nỗ lực phấn đấu, tiếp tục quyết tâm đổi mới, sáng tạo trong công tác; lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Đại hội XIII của Đảng.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!