Cựu Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Đặng Anh Tuấn được trả tự do tại tòa
Pháp đình - Ngày đăng : 14:59, 13/03/2020
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát tỉnh giữ nguyên quan điểm truy tố với bị cáo Đặng Anh Tuấn về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt từ 15 - 18 tháng tù. Bị cáo Đặng Anh Tuấn cũng khai nhận một số hành vi của mình và mong Hội đồng xét xử xem xét.
Kết thúc phần tranh luận tại tòa, Hội đồng xét xử nhận định: Với tư cách là Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp ký phiếu trình thành lập đoàn kiểm tra, đồng thời, là người chịu trách nhiệm cá nhân cao nhất tại Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về các hoạt động thanh tra, kiểm tra, bị cáo Đặng Anh Tuấn nhận được 3 bản báo cáo của đoàn kiểm tra, biết rõ về các vi phạm của các tổ chức, cá nhân đã được thể hiện trong bản báo cáo kiểm tra nhưng đều không có ý kiến hoặc báo cáo, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông để ngăn chặn, xử lý vi phạm.
Khi ông Đinh Tiến Dũng (Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Thông tin và Truyền thông) ký báo cáo số 3 gửi cho Đặng Anh Tuấn và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (lúc đó là ông Trương Minh Tuấn), trong báo cáo vẫn thể hiện “có một số cổng trò chơi tiếp tục hoạt động bằng cách thay đổi tên trò chơi…” và có đưa ra một số đề xuất về giải pháp để chấn chỉnh, xử lý như “chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an xem xét xử lý đối với các sản phẩm trò chơi điện tử trên mạng có dấu hiệu tội phạm hình sự”. Tuy nhiên, Đặng Anh Tuấn không những không có ý kiến về xử lý vi phạm mà nhiều lần nhắn tin yêu cầu ông Dũng đề xuất thêm trong bản báo cáo là “dừng đoàn kiểm tra”.
Sau khi ông Dũng không sửa lại báo cáo, Đặng Anh Tuấn đã có phiếu trình số 63 để đề xuất với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông dừng đoàn kiểm tra. Nội dung của phiếu trình Đặng Anh Tuấn đưa ra một số thông tin và lý do dừng đoàn kiểm tra không đúng thực tế như: Xác định bản báo cáo số 03 là báo cáo tổng kết; đoàn kiểm tra về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ; viện dẫn quy định của pháp luật về thời hạn đoàn thanh tra đồng thời với thời hạn của đoàn kiểm tra... Ngoài ra, khi đề xuất các giải pháp thực hiện, chỉ đề xuất các giải pháp chung, không đề xuất các giải pháp cụ thể để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm đã được đề cập trong các bản báo cáo…
Từ các thông tin, lý do đề xuất nêu trên của Đặng Anh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý cho dừng hoạt động của đoàn kiểm tra trong khi các trò chơi điện tử trên mạng và các hành vi liên quan có yếu tố phạm tội không được ngăn chặn, xử lý theo đề xuất của đoàn kiểm tra.
Các hành vi nêu trên của Đặng Anh Tuấn đã gây ra hậu quả: Để cho các đối tượng phạm tội lợi dụng mạng viễn thông quốc gia để tổ chức đánh bạc và đánh bạc với quy mô đặc biệt lớn; việc không xử lý, ngăn chặn kịp thời của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông làm cho trật tự quản lý nhà nước bị xâm phạm nghiêm trọng, làm giảm uy tín, lòng tin của nhân dân với cơ quan nhà nước nói chung và của Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội…
Như vậy Đặng Anh Tuấn phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) như Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng cho rằng trước khi phạm tội, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự nên không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào. Trong quá trình công tác, bị cáo có thành tích xuất sắc được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng nhiều Bằng khen; bố đẻ của bị cáo được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương trong kháng chiến và trong công tác….
Với nhận định và những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã quyết định tuyên bố bị cáo Đặng Anh Tuấn phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tuyên phạt bị cáo Tuấn 34 tháng cải tạo không giam giữ và cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ. Bị cáo được khấu trừ 324 ngày tạm giam (từ ngày 25/4/2019 - 13/3/2020), bị cáo còn phải chấp hành 1 tháng 18 ngày cải tạo không giam giữ và được trả tự do tại tòa.