“Lối đi” của các tác giả trẻ

Văn hóa - Ngày đăng : 18:27, 13/03/2020

(HNMCT) - Thời đại của công nghệ kéo con người ở nhiều đất nước, thuộc nhiều dân tộc gần lại với nhau hơn qua internet. Sự hội nhập, giao lưu số ấy cũng được thể hiện trong các trang viết của nhà văn trẻ khi đề tài, thể loại của họ ngày càng “tiệm cận hơn với xu hướng của thế giới”. Dưới đây là ý kiến của một số cây bút trẻ đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Hà Nội) về quan điểm sáng tác hay lý do lựa chọn đề tài trong các tác phẩm của mình.

Nhật Phi - tác giả tiểu thuyết giả tưởng Người ngủ thuê: 

Một nền văn học trẻ sôi động và không ngừng cập nhật

Trong thế kỷ XXI và kỷ nguyên toàn cầu hóa, các tác giả trẻ ngày nay không chỉ được vun đắp bằng ca dao, tục ngữ, những câu chuyện kể hay sách vở, “sở học” của họ không gói gọn trong văn chương mà còn mở rộng ra điện ảnh, truyện tranh, game từ các nền văn hóa lớn trên thế giới. Chưa khi nào chúng ta được chứng kiến một nền văn học trẻ sôi động và không ngừng cập nhật như lúc này, nói không ngoa rằng các tác giả trẻ, một thế hệ đa - văn - hóa, đã trình hiện một bộ mặt rất gần với văn chương thế giới.

Chúng ta đã có những tác giả “chào sân” với khoa học giả tưởng, với kỳ ảo, với trinh thám, siêu thực. Bên cạnh đó, vẫn có không ít tác giả nối dài những con đường truyền thống hơn với văn hóa, lịch sử, dã sử.

Là một người có hơn 15 năm viết văn xuôi, đi từ những sáng tác ngô nghê thời phổ thông cho tới khi được coi là một tác giả bán chuyên như ngày nay, cá nhân tôi nhận thấy: Văn học mạng và sách giấy, lịch sử hay viễn tưởng, hiện thực hay siêu thực, tất cả chỉ là vấn đề anh kể được một câu chuyện thú vị, hấp dẫn tới đâu, anh nói lên điều gì và với trạng thái nào. Thật sai lầm khi cho rằng các cô cậu nhóc viết những câu chuyện “trà sữa” trên mạng internet ngày hôm nay không thể trở thành các nhà văn trẻ trong tương lai. Rốt cuộc, thứ làm nên một tác giả văn xuôi trước hết là niềm hứng khởi được kể câu chuyện đó mà thôi.

Hiền Trang - tác giả tập truyện ngắn kỳ ảo 

Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa: Đọc giúp người ta đi tới vô cùng

Tôi không biết tại sao vào thời điểm hiện tại ở Việt Nam, có ý kiến thường quy cho các tác giả phi hiện thực như chúng tôi là không có đủ trải nghiệm sống. Nằm ở cốt lõi của văn chương, không phải là vấn đề hiện thực hay siêu thực, viễn tưởng, mà là ngôn từ. Con người có thể dùng công thức toán học mô tả cả sự khai sinh vũ trụ, thiên hà, vậy mà chẳng bao giờ có đầy đủ ngôn từ để nói về tình yêu với một cây sơn trà trước cổng.

Tôi cho rằng, một khi đã chọn viết là ta đã chấp nhận cúi đầu. Cúi đầu trước một bông sơn trà màu trắng, bởi ta liệu có bao giờ nắm bắt được khoảnh khắc trổ bông của nó bằng chữ nghĩa. Ta luôn không tìm kiếm đủ ngôn từ. Nhiều khi ta đinh ninh mình đã tiệm cận, ấy thế mà chỉ là ảo giác của phối cảnh mà thôi. Ngày ta bắt đầu biết rằng mình xếp dưới đóa sơn trà, ngày đó ta bước vào con đường viết.

Người ta thường quy cho người viết phải có vốn sống dồi dào, tôi cho rằng điều đó chỉ đúng với một dạng nhà văn. Còn có những dạng nhà văn khác, viết về tri thức mà mình tiếp nạp qua việc đọc, chứ không phải sống, như Jorge Luis Borge. Thậm chí, tôi cho rằng đôi khi vốn đọc còn quan trọng hơn vốn sống, vì chỉ có đọc mới giúp người ta có thể đi tới vô cùng. Tôi nghe Orhan Pamuk có 12.000 cuốn sách trong thư viện cá nhân, trong ông lại có ba vạn điển phạm, đó là cách mà Orhan lao động để sáng tác văn chương, và là cách để Orhan băng qua nghìn trùng đại dương, lặn xuống nghìn trùng con nước để mang về kim cương châu báu.

Phạm Thúy Quỳnh - tác giả của tiểu thuyết dã sử Trăng trong cõi: 

Viết dã sử phải nghiên cứu kỹ tư liệu

Tôi chỉ vô tình chọn đề tài dã sử nhờ vào một vài sự kiện ẩn trong câu chữ của Đại Việt sử ký toàn thư. Thoạt tiên tôi viết một đôi truyện ngắn, sau đó tôi nhận ra bản thân mình bị thu hút hoàn toàn bởi các sự kiện trong sử sách. Với tôi, thế giới hiện đại đôi khi khiến cho trí não bị bó buộc, tuy nhiên dã sử lại là nơi mà tôi có thể vùng vẫy với trí tưởng tượng và không gian riêng mình.

Chọn viết dã sử cần phải đi đôi với nghiên cứu - nghiên cứu tư liệu trong nước, tư liệu của nước ngoài, một số lại nằm trên cổ mộ hoặc bia đá; nghiên cứu về nghi lễ, trang phục và lối sống của cha ông ta cách đây hàng trăm hàng nghìn năm, dần dà nó trở thành một thú vui, việc viết lách dựa trên đề tài này cũng trơn tru hơn. Sáng tác bằng chất liệu dã sử như thể bạn đang nói chuyện với những người đã khuất, đặt mình vào họ, thử đặt mình trong bối cảnh mà họ sống, để đoán định suy nghĩ, sự kiện, lý giải tâm lý, từ đó bóc sáng ra được một vài điểm mờ ẩn giấu trong sử sách. Lịch sử luôn sống, luôn vận động, dẫn tới có người hiểu đúng, có người hiểu sai, đó là điều mà chúng ta chẳng thể tránh được.

Với tôi, sáng tác dã sử để có thể tiếp cận chân xác với ông cha chỉ là ảo mộng của con người, cái cốt chính là tác phẩm đó truyền tải được gì, giá trị ra sao. Thực vậy, tôi muốn viết về những thời đại đã trôi qua, từng làm mưa làm gió trên vũ đài lịch sử; viết về các anh hùng hào kiệt; viết về những tăm tối trong lòng người, về nỗi đau của họ; viết về phong tục xưa cũ mà nay chẳng còn hiện diện trong xã hội hiện đại. Đó là một phương pháp tu tập, viết ra đấy mà cũng là điều chỉnh chính bản thân mình, tự trưởng thành trong suốt con đường đằng đẵng.

Đức Anh - cây bút theo đuổi dòng “trinh thám đen”: 

Chỉ phản ánh thì không thành văn chương

Nhiều khi tôi đùa rằng mình đến với văn chương không phải bằng tình yêu mà là bằng sự ghét. Tôi ghét những câu chuyện dông dài, những cái kết lơ lửng, không cốt truyện, không sự thống nhất của hệ thống nhân vật. Tôi yêu những câu chuyện được kể không phải vì nó vốn tồn tại sẵn trong đời sống. Nó là một loại hiện thực bị chơi đùa, được nhào nặn từ một hiện thực bình thường của đời sống. Đối với tôi, văn chương không gì khác là tìm ra cách kể những câu chuyện.

“Tiểu thuyết đen” là một dòng truyện mà tôi khá mê. Nó là dòng truyện giật gân viết về tội ác trong đời sống hiện đại. Vấn đề là nó không chỉ phản ánh, bởi nếu chỉ là phản ánh thì nó không thành văn chương. Nó trêu đùa và chơi với hiện thực, nhào nặn hiện thực để trở thành một cốt truyện hấp dẫn, những câu đố hóc búa và khiến con người không ngừng tự vấn trong hành trình sống của mình.

Mạc Thanh Phương - cây bút đam mê truyện tranh: 

Nhiều truyện tranh Việt đoạt giải quốc tế vì yếu tố nhân văn

Mọi người vẫn nghĩ truyện tranh là thể loại dành cho thiếu nhi bởi mức độ dễ đọc, ít chữ, ít thoại, đơn giản của nó. Nhưng trên thực tế, truyện tranh được chia ra thành rất nhiều loại cho các đối tượng độc giả như thiếu nhi, thiếu nữ (shoujo), thiếu nam (shounen), cho nữ giới trẻ và trưởng thành (josei manga), cho nam giới trẻ và trưởng thành (seinen manga)...

Truyện tranh cũng có những biện pháp nghệ thuật nằm trong cả phần tranh và phần cốt truyện. Từng có nhiều tác phẩm truyện tranh Việt Nam đoạt giải quốc tế vì đã đưa được yếu tố nhân văn trong cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam đến với bạn đọc nước ngoài, như tập truyện Back home của tác giả Lân Đình Vũ đã đoạt giải nhì Silent Manga chẳng hạn. Những thành công này là một phần minh chứng cho sự trưởng thành của các tác giả truyện tranh trẻ Việt Nam khi có sự đầu tư và trau chuốt trong cả nội dung và tranh vẽ.

Truyện tranh đang dần được chấp nhận rộng rãi so với trước, truyện tranh Việt đã có một bước tiến dài và được ủng hộ để phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện tại, tác giả truyện tranh chưa được coi là một nghề khi những vấn đề về tác quyền chưa được đặt ra một cách nghiêm túc và quyền lợi của tác giả không cao, nhiều khái niệm trong ngành truyện tranh còn “mù mờ”...

Vân Hạ