Australia: Bầu trời Canberra rực rỡ khinh khí cầu trong ánh bình minh
Chuyện đó đây - Ngày đăng : 08:39, 14/03/2020
Khi những tia nắng Mặt trời đầu tiên rọi tới thủ đô của Australia, người dân Canberra thức dậy và ngỡ ngàng khi nhìn thấy những quả khinh khí cầu nhiều màu sắc với nhiều hình dạng khác nhau đang "tô điểm" cho bầu trời. Đó không phải là một giấc mơ cổ tích mà là lễ hội khinh khí cầu - một sự kiện văn hóa đặc sắc ở thủ đô của xứ Chuột túi, được tổ chức vào trung tuần tháng 3 hằng năm nhân kỷ niệm ngày thành lập thành phố. Nhiều phi công đang điều khiển những quả khinh khí cầu của mình bay qua hồ Burley Griffin, trong khi một số người khác thực hiện những công đoạn cuối cùng trước khi cất cánh.
Lễ hội khinh khí cầu Canberra 2020 diễn ra từ ngày 7 đến 15-3, thu hút sự tham gia của nhiều phi công và du khách từ khắp nơi trên thế giới. Một số du khách thậm chí đã đến đây từ trước khi bình minh ló rạng, với một tách cà phê nóng trong tay và cùng bạn bè, người thân chờ đợi theo dõi mọi công đoạn, từ khi những quả khinh khí cầu bắt đầu được bơm căng.
Cô Sarah Boyd, một thành viên của Ban tổ chức cho biết: "Đó quả thật là một trải nghiệm kỳ diệu, khi bạn có mặt tại đây trước khi Mặt trời mọc, lúc tiết trời còn khá lạnh và xem những quả khinh khí cầu xuất hiện như thế nào. Thật tuyệt vời khi nghe thấy âm thanh của đầu đốt, khi không khí nóng được đưa vào quả khí cầu, và rồi nhìn thấy chủng... bay lên không trung".
Lễ hội khinh khí cầu Canberra năm nay thu hút sự tham gia của khoảng 50 phi công từ khắp nơi trên thế giới, điều khiển 35 khinh khí cầu. Theo cô Boyd, dự kiến sẽ có 50.000 - 60.000 lượt khách tham quan đến dự sự kiện này. Cô Boyd cũng cho biết, nhiều người đã đến thật sớm để có được các vị trí thuận lợi xung quanh hồ và thậm chí còn đi thuyền kayak và thuyền chèo ván ra giữa hồ để có thể ngắm nhìn những quả khinh khí cầu này.
Lễ hội khinh khí cầu Canberra đã được tổ chức thường niên từ hơn 30 năm qua. Ông John Wallington - Trưởng ban tổ chức sự kiện này - là một phi công đã có thâm niên 35 năm với các chuyến bay đi khắp thế giới. Tại lễ hội này, cũng có một cuộc thi điều khiển khinh khí cầu, trong đó các phi công phải tranh tài xem ai là người đầu tiên đến được mục tiêu. Lễ hội cũng đặt ra một số yêu cầu để bảo đảm an toàn đối với phi công, ví dụ như phi công phải từng trải qua tối thiểu 50 giờ bay và sức gió không vượt quá 10-15km/h.
Ông Chen Changling, một phi công 56 tuổi, người Trung Quốc chia sẻ: "Tôi đến đây hằng năm kể từ năm 2015. Sự kiện này là một trong số ít cơ hội mà chúng tôi có thể bay qua tòa nhà quốc hội ở thủ đô của một quốc gia". Ông cũng cho biết vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ là điều lôi cuốn và gắn bó ông với những chiếc khinh khí cầu.