Hoạt hình Việt và bài học từ “gã khổng lồ”

Giải trí - Ngày đăng : 17:12, 14/03/2020

(HNMCT) - Sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện giải trí online đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam, nhưng không thể khỏa lấp nỗi buồn về sự vắng bóng của phim hoạt hình Việt trên truyền hình và màn ảnh rộng. Bởi vậy, trước những trường hợp thành công của hoạt hình thế giới, chúng ta liệu có tìm ra bài học phù hợp cho Việt Nam?

Bộ phim "Monta trong dải ngân hà kỳ cục" không gây được tiếng vang.

Bí quyết của “gã khổng lồ”

Hãng phim hoạt hình Pixar đã chứng minh mình thực sự là “gã khổng lồ chưa từng thất bại” trong làng hoạt hình thế giới khi chạm tay vào tượng vàng Oscar thứ 10 dành cho Phim hoạt hình hay nhất trong 40 năm lịch sử của mình ở giải Oscar lần thứ 92 vừa qua. Với khán giả Việt Nam, hãng phim này được biết đến với nhiều bộ phim thân thuộc như: Đi tìm Nemo, Câu chuyện đồ chơi, Gia đình siêu nhân... hay mới đây nhất là bộ phim Onward - Truy tìm phép thuật. Câu hỏi đặt ra là tại sao hãng này có thể duy trì được phong độ ổn định như thế?

Theo phân tích từ đơn vị phát hành phim CGV Việt Nam, thành công đó có được là bởi Pixar luôn theo đuổi một công thức đặc biệt ở tất cả các tác phẩm của mình. Công thức đó bao gồm 5 yếu tố: Ý tưởng độc đáo; cốt truyện đơn giản nhưng chứa đựng thông điệp sâu sắc; cảm xúc là chất liệu cốt lõi; bền bỉ nuôi dưỡng niềm tin; tạo hình nhân vật sáng tạo vượt khuôn khổ.

Đó dường như là công thức thành công chung của mọi tác phẩm hoạt hình, tuy nhiên, Pixar có cách vận dụng rất riêng. Chẳng hạn, nói về ý tưởng độc đáo, Ed Catmull, cha đẻ của hãng Pixar từng tiết lộ hãng này không bao giờ mua kịch bản hay ý tưởng phim từ bên ngoài. Chính việc tự sáng tạo ra các câu chuyện đã khiến phim của hãng luôn giữ được tính nguyên bản và độc đáo. Mỗi bộ phim đều có thể là một câu chuyện được gắn với kỷ niệm thơ ấu, hay cảm xúc riêng của các biên kịch, đạo diễn... thuộc hãng.

Còn về tạo hình nhân vật, sức sáng tạo vượt ngoài mọi khuôn khổ là giá trị cốt lõi trong chuỗi thành công của Pixar. Nhân vật trong phim phải là những gì khán giả chưa từng thấy trên màn ảnh nhưng vẫn đảm bảo hài hòa giữa tạo hình có phần kỳ quái với cảm giác thân thuộc, yếu tố hài hước đan xen các khoảnh khắc xúc động...

Hãy cứ sáng tạo đi!

Thời gian gần đây, công chúng gần như chỉ còn tiếp cận được với phim hoạt hình Việt Nam trên các kênh online. Không chỉ các hãng phim tư nhân, các nhóm làm phim độc lập mà ngay cả Hãng phim hoạt hình Việt Nam cũng đẩy mạnh việc phát hành phim trên nền tảng internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, ngay cả với kênh này cũng không có những tác phẩm gây được tiếng vang, khiến công chúng phải chú ý. Hầu hết chỉ là phim ngắn với nội dung và cách thể hiện chưa có những điểm bứt phá cho thấy khả năng bắt kịp với công thức thành công của thế giới.

Năm 2018, khi hãng phim Vintata công bố những tập đầu của bộ phim Monta trong dải ngân hà kỳ cục, nhiều người đã vội vàng nhận định: Bộ phim là phát súng bắn tung lối mòn tư duy về sản xuất phim hoạt hình tồn tại ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua. Quả thật, nếu xét về khía cạnh áp dụng công thức của Hollywood cho phim hoạt hình thì Monta trong dải ngân hà kỳ cục cũng được thực hiện bằng những bước đi bài bản. Chẳng hạn, kịch bản của bộ phim được tuyển lựa qua một cuộc thi ý tưởng có quy mô toàn cầu, sau đó được hỗ trợ phát triển bởi nhà biên kịch kỳ cựu Jeffrey Scott, người từng 5 lần nhận đề cử giải Emmy cho Chương trình hoạt hình xuất sắc nhất.

Cách làm này bảo đảm kịch bản có được sự trau chuốt nhất. Bên cạnh đó, tạo hình nhân vật cũng mới lạ, khác với các nhân vật truyền thống quen thuộc của hoạt hình Việt Nam... Tuy nhiên, bộ phim này lại không mấy thành công, số lượt xem mỗi tập chỉ ở con số chục nghìn.

Việc Monta trong dải ngân hà kỳ cục - thử nghiệm hoạt hình đáng lưu ý nhất trong thời gian gần đây, không thành công như mong đợi có lẽ là do ê kíp làm phim đã quá chú trọng đến cái mới, tính độc đáo mà lơ là yếu tố cảm xúc. Trong khi đó, theo Giám đốc Sáng tạo của Pixar John Lasseter: “Phim của chúng ta phải bắt nguồn từ con tim. Nó không chỉ là giải trí, mà phải kể những câu chuyện mà khán giả kết nối được với cảm xúc”.

Nhưng thất bại cũng có thể là bài học có ích cho tương lai khi chúng ta nhìn vào hoạt động của Pixar. Yếu tố “nuôi dưỡng niềm tin cho một ý tưởng”, một yếu tố dường như mang tính động viên với những dự án chưa tìm được “chìa khóa” thì với Pixar, đó lại là yếu tố tối quan trọng. Lãnh đạo Pixar cho rằng, những sản phẩm vĩ đại đòi hỏi thời gian thai nghén lâu hơn nhiều người nghĩ. Chính vì vậy mà Pixar đã dành 7 năm để Toy Story (Câu chuyện đồ chơi) - bộ phim mang tính biểu tượng của hãng - từ ý tưởng trở thành một tác phẩm trên màn ảnh rộng.

4 phần trong bộ phim này được thực hiện trong hơn 2 thập niên và đều đoạt giải hoặc nhận đề cử Oscar. Kết quả đó chính là nguồn động viên với những sáng tạo mới ở khắp nơi, rất đáng để giới làm phim hoạt hình Việt Nam học hỏi bởi dù có bao nhiêu “bom tấn” nước ngoài thì khán giả vẫn mong con em mình được xem những thước phim chất lượng cao “made in Vietnam”!

Quang Nam