Tây Ban Nha phong tỏa toàn bộ đất nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump âm tính với Covid-19
Thế giới - Ngày đăng : 07:15, 15/03/2020
Châu Âu
Sau phiên họp Nội các kéo dài tới 7 giờ đồng hồ, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát dữ dội. Trong ngày 14-3, số ca nhiễm bệnh tại Tây Ban Nha đã tăng mạnh thêm 1.159 người, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận tại nước này lên 6.391 ca, trong đó đã có 195 người tử vong. Trước tình hình đó, gần 47 triệu công dân Tây Ban Nha được khuyến cáo ở nhà và chỉ đi ra ngoài khi cần mua sắm thực phẩm thiết yếu hoặc tới bệnh viện.
Quyết định phong tỏa toàn quốc của người đứng đầu Chính phủ Tây Ban Nha cũng là hành động cụ thể hóa tình trạng khẩn cấp quốc gia, với thời hạn phong tỏa kéo dài ít nhất 15 ngày. Như vậy, Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu thứ hai, sau Italia ra lệnh phong tỏa toàn bộ lãnh thổ, bởi hiện nước này cũng là quốc gia có tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai tại Lục địa già. Thủ tướng Pedro Sanchez lo ngại, nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế, xã hội và kinh tế chưa từng có, khi số ca nhiễm Covid-19 được dự đoán sẽ vượt mốc 10.000 người vào đầu tuần tới.
Trong khi đó, tình trạng bùng phát dịch Covid-19 tại Italia - tâm điểm của dịch bệnh tại châu Âu – vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Ngày 14-3, nước này ghi nhận tới 3.497 ca nhiễm mới và 175 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 21.157 người và 1.441 trường hợp tử vong. Giám đốc Cơ quan phòng vệ dân sự Italia Angelo Borrelli thừa nhận nước này đang rơi vào tình trạng thiếu khẩu trang và đồ bảo hộ trầm trọng, khiến các cán bộ y tế đối mặt với rủi ro rất lớn khi chữa trị cho các bệnh nhân. Ông Giulio Gallera, Ủy viên Y tế vùng Lombardy – tâm dịch của Italia cho biết, hiện các bệnh viện tại vùng này đang trong tình trạng quá tải và sắp vượt qua ngưỡng chịu đựng khi có tới hàng trăm ca nhập viện mỗi ngày.
Trước tình cảnh đó, Italia đã đặt hàng 55 triệu khẩu trang từ các nhà sản xuất trên toàn thế giới, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Đức chấp thuận viện trợ 1 triệu khẩu trang, và việc các nước đồng loạt đóng cửa biên giới với Italia cũng khiến hàng hóa y tế tiếp cận vào nước này gặp nhiều khó khăn.
Hiện nhiều nước châu Âu như Đan Mạch và Na Uy đã tuyên bố chính thức đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong khi các quốc gia châu Âu khác cũng đang xem xét áp dụng biện pháp này trong những ngày tới.
Tại Pháp, số ca nhiễm bệnh đã tăng mạnh trong ngày 14-3 với 808 trường hợp được xác nhận, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên gần 4.500 người. Chính quyền đã ra lệnh đóng cửa tất cả các cửa hàng và các khu vui chơi giải trí, ngoại trừ những cửa hàng bán nhu yếu phẩm, hiệu thuốc, cây xăng... và bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch bệnh.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc và thực hiện cách ly xã hội. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cũng đã yêu cầu công dân trở về từ Italia, Thụy Sĩ, Áo và các khu vực dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng phải tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày. Hiện Đức đã ghi nhận 4.599 ca nhiễm Covid-19 và 9 ca tử vong, trở thành một trong những quốc gia tâm điểm của dịch bệnh tại châu Âu.
Tại Anh, ngày 14-3, một trường hợp trẻ sơ sinh đã có kết quả xét nghiêm dương tính với Covid-19, trở thành trường hợp nhiễm bệnh nhỏ tuổi nhất được ghi nhận tại nước này và trên toàn thế giới. Các nhân viên y tế có tiếp xúc gần với sản phụ và em bé sơ sinh đều đã tự cách ly, trong khi các chuyên gia y tế Anh nhận định rằng các thai phụ và trẻ em thường có ít rủi ro về biến chứng từ Covid-19 và không có triệu chứng quá nghiêm trọng. Cùng ngày, giới chức Anh thông báo đã ghi nhận thêm 10 ca tử vong, tăng gấp đôi so với trước đó 1 ngày.
Châu Mỹ
Ngày 14-3, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Mặc dù không hề có triệu chứng bệnh, song việc xét nghiệm đối với ông chủ Nhà Trắng được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa sau khi nhà lãnh đạo này có tiếp xúc với một số trường hợp dương tính với vi rút, trong số đó có Thư ký báo chí của Tổng thống Brazil và Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Brazil tại Mỹ. Nhà Trắng cũng đã bắt đầu kiểm tra thân nhiệt và tình trạng sức khỏe của bất kỳ ai tiếp xúc gần với Tổng thống D.Trump.
Mỹ hiện đã ghi nhận 2.499 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 57 trường hợp tử vong. Ngày 14-3, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết bang này đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên tử vong do dịch Covid-19, là một nữ bệnh nhân 82 tuổi và một bệnh nhân 65 tuổi.
Cũng trong ngày 14-3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết Phó Tổng thống Mike Pence đã tổ chức một cuộc họp báo tại Nhà Trắng về các biện pháp khẩn cấp ứng phó với dịch Covid-19. Phó Tổng thống Mỹ cho biết, Tổng thống đã đưa ra quyết định hoãn tất cả việc đi lại từ Anh và Ireland và sẽ có hiệu lực vào đêm 16-3. Trong khi đó, Tổng thống D.Trump cũng đang xem xét các hạn chế mới về đi lại trong nước, đặc biệt là đối với khu vực hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bùng phát như bang Washington. Ông chủ Nhà Trắng đang hối thúc các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ dự luật về vấn đề này tại Thượng viện.
Châu Á
Ngày 14-3, Iran đã ghi nhận thêm 1.365 ca nhiễm mới và 97 trường hợp tử vong, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia Cộng hòa hồi giáo lên 12.729 trường hợp và 611 người tử vong.
Cùng ngày, ông Fadjroel Rachman, Phát ngôn viên của Tổng thống Indonesia xác nhận Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Thedros Adhanom đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Joko Widodo cải thiện các cơ chế ứng phó khẩn cấp, bao gồm ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do Covid-19. Theo quan chức WHO, đây là biện pháp cần thiết giúp Indonesia kiểm soát dịch bệnh và tăng cường nhận thức của cộng đồng trước những rủi ro do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là ở một quốc gia có dân số lớn và năng lực y tế chưa đồng đều.
Cùng ngày, Indonesia xác nhận Bộ trưởng Giao thông Vận tải Budi Karya Sumadi của nước này đã có kết quả dương tính với Covid-19 và hiện đang được điều trị tại bệnh viện quân đội Gatot Subroto ở thủ đô Jakarta. Ông Budi Karya Sumadi là bệnh nhân số 76 trong tổng số 96 ca nhiễm bệnh tại nước này.
Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết nước này đã quyết định cho phép các bang sử dụng ngân sách từ Quỹ ứng phó thảm họa nhà nước để phòng chống dịch. Chính phủ Ấn Độ sẽ trợ cấp khoảng 400.000 rupee (tương đương 5.400 USD) cho gia đình của các ca tử vong vì dịch Covid-19, đồng thời hỗ trợ cho các hoạt động phòng chống dịch.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Abe Shinzo cho rằng chưa cần ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch Covid-19 như tại châu Âu, bởi tỷ lệ nhiễm bệnh của Nhật Bản hiện vẫn đang ở mức thấp dù nước này vẫn hết sức cảnh giác với nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Hiện Nhật Bản đã có tổng cộng 804 ca nhiễm bệnh và 22 trường hợp tử vong.