Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 07:11, 15/03/2020

(HNM) - Qua 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã có quá trình đổi mới nhận thức sâu sắc về công tác dân vận, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước, đặc biệt là hơn 30 năm đổi mới vừa qua. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hànộimới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: Đảng bộ Hà Nội đã xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng, qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Ban Dân vận Huyện ủy Thanh Oai phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện giám sát công tác cải cách hành chính tại xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai). Ảnh: Giang Sơn

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

- Đồng chí có thể khái quát những kết quả nổi bật đã đạt được trong công tác dân vận của Đảng bộ Thủ đô sau hơn 30 năm đổi mới?

- Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới và rút ra bốn bài học, trong đó có bài học quan trọng là: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Đến nay, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã có một quá trình đổi mới nhận thức sâu sắc về công tác dân vận; qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.

Cùng với việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về vai trò, nhiệm vụ của công tác dân vận trong tình hình mới, Thành ủy khóa XV đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 25-7-2013 thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với thực tiễn của Thủ đô và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ trong toàn Đảng bộ thành phố.

Thành ủy cũng triển khai có hiệu quả việc tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân nhằm xây dựng Đảng, chính quyền; ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đến nay đã tổ chức 4 hội nghị cấp thành phố; 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức 1.282 hội nghị; toàn bộ các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 4.059 hội nghị. Qua đó, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thành ủy Hà Nội cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đem lại bầu không khí cởi mở và tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Năm 2019, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội đã kiểm tra việc thực hiện quy chế tại 177 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã và 5 sở, ngành, hoàn thành trước 1 năm kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Ban Dân vận Thành ủy đã chủ động phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố ký kết, triển khai thực hiện việc tăng cường công tác dân vận chính quyền giai đoạn 2011-2016, giai đoạn 2016-2021. Qua đó, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày một nâng cao theo hướng trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân.

Cùng với việc quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận trong hệ thống chính trị, công tác tôn giáo cũng đã được Thành ủy Hà Nội thường xuyên chú trọng. Công tác dân tộc được quan tâm thực hiện đồng bộ. Đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn; đã có 7/14 xã vùng miền núi đạt chuẩn nông thôn mới…

Hiện nay, trước những diễn biến nguy hiểm của dịch Covid-19, hệ thống dân vận thành phố đã chủ động nắm bắt và phản ánh tình hình dư luận, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân đưa thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận, chung sức đẩy lùi dịch bệnh.

- Một trong những điểm nổi bật của công tác dân vận tại Hà Nội là tổ chức thành công phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về phong trào này?

- Từ năm 2009 đến nay, đã có 68.061 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai thực hiện; 177 hội thi “Dân vận khéo” được tổ chức từ cấp thành phố đến cơ sở; 8.839 tập thể và 8.275 cá nhân “Dân vận khéo” tiêu biểu được công nhận và khen thưởng. Sự kết hợp giữa phong trào “Dân vận khéo” với các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện dân chủ ở cơ sở… được gắn kết chặt chẽ.

Có thể khẳng định, phong trào “Dân vận khéo” góp phần tích cực vào những thành tựu chung của thành phố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, củng cố tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân.

Dân chủ trong đời sống xã hội ngày càng trở thành đòi hỏi mạnh mẽ

- Mặc dù công tác dân vận đã đạt những kết quả quan trọng, song Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ tồn tại, hạn chế và chỉ ra các nguyên nhân, cụ thể là gì?

- Bên cạnh những thành tựu, công tác dân vận của Đảng bộ thành phố vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là việc xây dựng và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận ở một số cấp ủy chưa kịp thời. Công tác nắm tình hình dư luận nhân dân tại một số địa phương chưa sâu sát. Việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, khó khăn.

Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do nhu cầu dân chủ trong đời sống xã hội ngày càng trở thành đòi hỏi mạnh mẽ. Trong khi đó, việc điều chỉnh một số cơ chế, chính sách còn chậm, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực thu hồi đất, giải phóng mặt bằng... Ngoài ra, một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu; có trường hợp quan liêu, xa rời quần chúng; tinh thần, thái độ, trách nhiệm với công việc còn yếu.

- Để tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận, thời gian tới, Đảng bộ thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận ra sao, thưa đồng chí?

- Trước hết, phải thấm nhuần sâu sắc lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” và nắm chắc bài học “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; phải tăng cường niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng ý chí và khát vọng phát triển của nhân dân, phát huy ý thức và trách nhiệm của nhân dân, làm cho toàn dân được hưởng thụ và giàu có từ quá trình phát triển đất nước. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị thành phố phải không ngừng tăng cường đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Trong đó, cần tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, cần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần tăng cường nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những bức xúc chính đáng của nhân dân.

Thứ hai, cần đổi mới công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực dân vận; tăng cường công tác điều tra, khảo sát, tổng kết thực tiễn; không ngừng nâng cao chất lượng tham mưu về công tác dân vận của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn mới.

Thứ ba, cần đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền đi đôi với thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thứ tư, cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội hướng mạnh về cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh, tiềm năng trí tuệ, sáng tạo của nhân dân.

Thứ năm, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, dân tộc; tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác tôn giáo ngay từ cơ sở.

Thứ sáu, cần tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ dân vận thành phố vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hương Ly