Italia gồng mình trong cơn “sóng thần” Covid-19

Thế giới - Ngày đăng : 07:42, 16/03/2020

(HNM) - Italia đang phải đối mặt với "giờ phút đen tối nhất" trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte nhắc lại câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Anh Winston Churchill trong Thế chiến II khi đề cập đến tình trạng dịch bệnh hiện nay tại quốc gia này.

Các bác sĩ tại Italia phải làm việc trong tình trạng quá tải vì số ca nhiễm Covid-19 tại nước này tăng nhanh.

Gần một tháng trước, Italia vẫn bình thản trước Covid-19 khi chỉ có 3 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Nhiều người cho rằng, Italia khó có thể trở thành ổ dịch lớn nhất châu Âu nhưng sự thật đã hoàn toàn thay đổi. Giờ đây quốc gia này đang trở thành tâm dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục, với hơn 21.000 ca nhiễm và ít nhất 1.441 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt khiến giới chức Italia vội vã đưa ra hàng loạt biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh.

Ở miền Bắc Italia, nhiều sự kiện thể thao, văn hóa, tôn giáo đều bị hủy, các trường đại học đóng cửa. Bất kỳ ai tự ý đến và rời các thị trấn phong tỏa ở Lombardy, tâm điểm của sự bùng phát vi rút SARS-CoV-2 đều đối mặt với án phạt. Đáng chú ý, khi một dự thảo nghị định tuyên bố phong tỏa Lombardy bị rò rỉ với báo giới, hàng nghìn người đã đổ xô lên các chuyến tàu nhằm nhanh chóng đoàn tụ với gia đình ở miền Nam. Điều này khiến các ca nhiễm Covid-19 tại đất nước hình chiếc ủng tăng mạnh và hoàn toàn mất kiểm soát.

Cũng vì là tâm dịch, vùng Lombardy đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh và vật tư y tế trầm trọng. Toàn bộ 150 bệnh viện của vùng đang phải tập trung điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Quá tải người bệnh, các bệnh viện trong khu vực phải tạm dừng hoạt động các khoa thông thường để chuyển thành phòng chăm sóc tích cực, tập trung điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Các bác sĩ cho biết, nếu số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng thì các bệnh viện có thể rơi vào tình trạng "thất thủ". Lombardy hiện có khoảng 900 giường dành cho bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt, 60% bệnh nhân trong số này đều đã trên 65 tuổi. Tại một số tỉnh khác như: Bergamo, Lodi và Pavia, các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn.

Một vấn đề khó khăn hiện nay là Italia không có đủ bác sĩ và y tá chuyên môn cho các khu hồi sức tích cực. Các bác sĩ và y tá ở tuyến đầu chống dịch đang bị quá tải, liên tục làm việc quá giờ và bản thân trở thành người nhiễm vi rút. Ở Lombardy, đã có khoảng  12% nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Các y, bác sĩ phải làm việc tăng ca để giúp đỡ những đồng nghiệp của mình đang dần kiệt sức. Tuy nhiên, mệt mỏi không phải điều tệ hại nhất. Bác sĩ phải đứng trước những lựa chọn khó khăn để quyết định bệnh nhân nào sẽ được nhập viện và sử dụng mặt nạ dưỡng khí khi những vật tư này ngày càng trở nên khan hiếm.

Ông Giulio Gallera, Ủy viên Hội đồng phúc lợi vùng Bologna chia sẻ, ông đã chứng kiến một số nhân viên y tế bật khóc vì tình trạng xấu đang diễn ra trong bệnh viện. Họ lo lắng không thể chữa trị cho tất cả bệnh nhân vì nhu cầu đang vượt xa nguồn lực sẵn có. Ngoài ra, các đồ bảo hộ y tế, đặc biệt là khẩu trang chuyên dụng cũng vô cùng thiếu thốn khiến các y bác sĩ phải đối mặt với rủi ro khi chữa trị cho bệnh nhân.

Giám đốc Cơ quan Phòng vệ dân sự Italia, Angelo Borrelli thừa nhận, nước này đang có nhu cầu cấp thiết với khẩu trang và đồ bảo hộ y tế. Ông Borrelli cho biết, trong tuần qua, Italia đã đặt hàng 55 triệu khẩu trang từ tất cả nhà sản xuất trên thế giới, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp khẩn cấp từ các nước Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Đức viện trợ cho Italia 1 triệu khẩu trang.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, hệ thống y tế của Italia tuy ở dưới mức trung bình của Liên minh châu Âu nhưng có thể so sánh với Hàn Quốc, với chi tiêu cho y tế ở mức 8,9% GDP. Nhưng hiện tại, hệ thống đó đã bị mất cân bằng. Bác sĩ Daniele Macchini, làm việc tại bệnh viện ở thị trấn Bergamo phía Đông Bắc Milan cho biết: “Các ca nhiễm tăng theo cấp số nhân. Không còn bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ tiết niệu, bác sĩ chỉnh hình. Tất cả chúng tôi bỗng nhiên trở thành thành viên của một đội duy nhất đối mặt với cơn sóng thần có tên Covid-19, đã và đang áp đảo chúng tôi".

Quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước của Chính phủ Italia phần nào đã giảm bớt gánh nặng đối với y bác sĩ, giúp họ định thần để theo kịp tốc độ gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh. Dẫu còn nhiều ý kiến tranh luận về biện pháp ứng phó đối với dịch Covid-19 tại Italia, nhưng dư luận thế giới vẫn đang hướng về đất nước hình chiếc ủng với hy vọng quốc gia này sẽ vững vàng vượt qua cơn "sóng thần" mang tên Covid-19.

Thùy Dương