“Tiền tỷ” phơi nắng phơi mưa
Đời sống - Ngày đăng : 13:32, 16/03/2020
“Thiên đường” xe vô chủ
Bãi tạm giữ phương tiện vi phạm tại quận Long Biên nằm trên phố Lâm Hạ (phường Bồ Đề) có diện tích lên tới cả nghìn mét vuông. Điều dễ nhận thấy khi vừa bước chân vào bãi là trong số xe vi phạm xếp hàng dài như đồ phế thải, có cả những chiếc xe máy đắt tiền nhưng qua thời gian nay đã tróc sơn, trơ khung, lốp xẹp nằm cạnh những chiếc ô tô đã han gỉ. Khu vực này không hề được che chắn nên có thể nói là số xe trên phơi nắng, phơi mưa đã khá lâu.
Bãi trông giữ phương tiện vi phạm A5 Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều phương tiện không biết nằm ở đây từ bao giờ, cỏ mọc cao tới yên xe. Bên góc tường quây tôn có hàng trăm chiếc xe “trơ gan cùng tuế nguyệt”, nhiều chiếc chỉ còn trơ bộ khung xe gắn với máy. Có một số xe thậm chí được tận dụng... để làm hàng rào.
Ở bãi trông giữ phương tiện vi phạm tại 34 Linh Đường, quận Hoàng Mai, số ô tô, xe máy, xe ba bánh xếp đứng cạnh nhau, phủ bụi. Ông Phạm Mạnh Hải, người trông giữ bãi xe ở Linh Đường cho biết, các phương tiện mới đưa về đây được xếp ở khu vực có mái che, còn phương tiện được đưa về từ lâu, chưa xử lý thì phải xếp ngoài trời do hết chỗ. Hơn hai tháng nay, khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được ban hành, có hiệu lực, lượng phương tiện bị tạm giữ được đưa về nhiều hơn, bãi xe bị quá tải.
Còn theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Thương mại Ngọc Diệp, chủ bãi xe 34 Linh Đường, thực tế trong bãi có những xe ba bánh, xe xích lô được đưa về từ năm 2015 - 2016, có những xe ô tô “nằm bãi” từ năm 2013 mà chưa thấy chủ xe đến nhận. Theo thống kê, hiện ở hai bãi xe vi phạm bị tạm giữ tại phố Linh Đường và ở Nam Trung Yên có gần 3.000 xe, trong đó có hơn 40 ô tô.
Xe “vô chủ” hoặc chưa có người đến nhận không chỉ xuất hiện ở các bãi trông giữ phương tiện vi phạm mà còn có ở các bãi trông giữ xe tại các bệnh viện. Theo ông Hoàng Nghĩa Dũng, Đội phó Đội Bảo vệ Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện có khu vực trông giữ xe của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trước đây, khu vực này gần với “chợ” xe máy cũ Phùng Hưng nên số xe “vô chủ” được gửi vào bãi trông giữ xe của bệnh viện khá nhiều. Sau khi “chợ” xe máy cũ chuyển xuống khu vực Dịch Vọng (Cầu Giấy), thì hiện tượng này đến nay chỉ còn lác đác. Ông Hoàng Nghĩa Dũng cho biết thêm, khi phát hiện có xe nằm trong bãi từ 3 ngày - 1 tuần mà không ai đến nhận, tổ bảo vệ sẽ thông báo đến người nhà bệnh nhân. Nếu không có hồi âm thì sẽ bàn giao xe cho công an phường sở tại để xác minh chủ sở hữu.
Tìm lời giải cho “bài toán” khó
Những người làm công tác quản lý bãi trông giữ phương tiện vi phạm cho rằng, sở dĩ số xe “vô chủ” có nhiều là do giá trị của xe thường thấp hơn mức xử phạt hành chính nên chủ xe “bỏ của chạy lấy người”. Cũng có trường hợp người nước ngoài bỏ lại phương tiện khi về nước, hoặc có thể xe là tang vật của một vụ án nào đó...
Trong khi đó, theo Trung tá Dương Bảo Thạch, Đội phó Đội Cảnh sát 113, Công an quận Hoàn Kiếm, những bãi gửi xe ở bệnh viện và các địa điểm công cộng khác thường được tội phạm chọn để hoạt động. Trong nhiều trường hợp, tội phạm đem xe có giá trị kinh tế thấp vào bãi, lấy vé gửi xe tại đây rồi lợi dụng sơ hở để “đổi” lấy xe đắt tiền. Vụ việc loại này không chỉ xảy ra tại các khu vực nhạy cảm như bãi trông giữ xe ở bệnh viện, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại..., mà còn diễn ra cả ở cơ quan công quyền - nơi được bảo vệ kỹ lưỡng hơn.
Hơn nữa, liên quan tới xe “vô chủ”, cơ quan công an đã khám phá thủ đoạn mà các đối tượng trộm cắp xe máy thường sử dụng nhằm tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, đó là thay biển kiểm soát và đem phương tiện mà chúng trộm cắp được vào những địa điểm gửi xe công cộng.
Quận Hoàn Kiếm là nơi có Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương..., trước đây là nơi “đắc địa” cho tội phạm trộm cắp xe máy đem tang vật vào gửi vì đây là khu vực đông người ra vào hằng ngày, rất khó kiểm soát. Nhưng nhờ phía công an làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị trông giữ phương tiện nên tình trạng này đã giảm. Trong thực tế, khi phát hiện phương tiện được gửi dài ngày mà không ai đến nhận, chủ các bãi trông xe báo cho công an phường sở tại biết, phối hợp làm rõ chủ xe, nên đến nay số xe vô chủ gần như “biến mất” khỏi các bãi này.
Ông Hoàng Nghĩa Dũng, Đội phó Đội Bảo vệ Bệnh viện Việt Đức khẳng định, để giải phóng được số xe “vô chủ”, bộ phận bảo vệ bệnh viện luôn đề cao cảnh giác, ngay từ khi nhận xe nhân viên bảo vệ đã quan sát kỹ nhằm phát hiện những biểu hiện bất thường của người gửi, dấu hiệu xe gian, kiên quyết không nhận trông giữ những phương tiện không đủ điều kiện lưu thông như thiếu biển kiểm soát hay biển kiểm soát giả, có dấu hiệu bị đục ổ khóa...
Bên cạnh đó, trên các diễn đàn mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều cảnh báo đối với chủ phương tiện về việc tự bảo vệ tài sản, tránh xảy ra việc “mất bò mới lo làm chuồng”. Anh Trần Mạnh Tuấn ở nhà A5 Khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, cùng với việc trình báo cơ quan công an, người bị mất xe nên chịu khó “lần mò” tại những nơi gửi xe công cộng, bãi gửi xe tại tầng hầm chung cư, bệnh viện, trung tâm thương mại... Kinh nghiệm này của anh Tuấn được cộng đồng mạng đánh giá cao.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho biết, hiện nay, nhiều xe vi phạm có giá trị thấp, xe cũ trong khi mức phạt cao nên người vi phạm không muốn đóng phạt, chịu bỏ xe luôn. Mặt khác, trình tự, thủ tục hành chính liên quan tới việc tạm giữ, xử lý vi phạm, thanh lý phương tiện vi phạm đòi hỏi nhiều thời gian, dẫn đến tình trạng bãi xe “vô chủ” quá tải.
Việc xử lý đối với các xe “vô chủ” ở các bãi trông giữ phương tiện vi phạm đang là vấn đề nan giải hiện nay. Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, cho biết, trung bình, tính từ lúc xác định xe “vô chủ” đến hoàn tất công tác thanh lý tài sản phải mất 7 - 8 tháng. Do vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý nên có những trường hợp phải trình Bộ Công an chứ công an các tỉnh, thành phố không đủ thẩm quyền xử lý. “Để thực hiện đúng quy định của pháp luật và bảo đảm an ninh, an toàn cho các kho bãi tạm giữ phương tiện đang trở nên quá tải, cần có phân cấp thẩm quyền xử lý và văn bản hướng dẫn cụ thể” - Trung tá Tiến đề xuất.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, theo quy định hiện nay, sau khi xác định xe vi phạm không có người đến nhận thì rất lâu sau mới có thể làm thủ tục thanh lý. Cơ quan công an địa phương phải hoàn thiện thủ tục xác minh, lập danh sách, trình lên Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Chủ tịch tỉnh, thành phố để ra quyết định thanh lý, bán đấu giá tài sản. Thời gian chờ đợi rất dài, trong lúc đó thì rất nhiều xe đã biến thành sắt vụn. Tình trạng này gây lãng phí rất lớn.
Bộ Công an vừa đề xuất: Đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện. Biện pháp này được xem là đáp án cho “bài toán” khó liên quan tới tình trạng lãng phí của cải, vật chất khi để phương tiện phơi nắng, phơi sương như hiện nay.