Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội

Chính trị - Ngày đăng : 07:09, 16/03/2020

(HNM) - Gắn bó với những địa danh Bắc Bộ phủ, Ba Đình, Vạn Phúc, chùa Trầm, Thanh Oai, Phủ Chủ tịch... của Hà Nội; những bài nói, bài viết; những lần đi thăm cơ sở của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1945 đến 1969 không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ mà còn là minh chứng sinh động cho sự quan tâm đặc biệt của Người với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Bác Hồ nói chuyện với học viên Lớp bồi dưỡng đảng viên mới do Đảng bộ thành phố Hà Nội tổ chức năm 1966. Ảnh tư liệu

Dõi theo mỗi bước đường thắng lợi

Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa thành công tại Hà Nội (19-8-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh từ An toàn khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Tại nhà 48 Hàng Ngang, Người viết bản Tuyên ngôn độc lập và ngày 2-9-1945, Người thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam đã được độc lập, nhân dân Việt Nam đã được tự do... Tuy nhiên, với dã tâm xâm lược, thực dân Pháp đã gây chiến ở Nam Bộ và chiến tranh ngày một lan rộng ra cả nước.

Sau những nhân nhượng có nguyên tắc, đầy thiện chí không đạt kết quả, ngày 19-12-1946, tại Vạn Phúc (quận Hà Đông ngày nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đồng thời, Người gửi thư, nhắn nhủ chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô (thành lập ngày 6-1-1946 và ngày 17-2-1947, Trung đoàn nhận mật lệnh rút khỏi Hà Nội) - những người đã dũng cảm ngăn chặn, chống trả quân địch để ngăn cản bước tiến của chúng, những người đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” rằng, “lòng Già Hồ luôn luôn ở bên cạnh các em”.

Trong những năm tháng gian lao kháng chiến chống Pháp, Người đã gửi thư cho đội du kích Thủ đô và đồng bào vùng Hà Nội, khen ngợi những chiến công của quân dân Hà Nội. Người “viết thư này với cả tấm lòng thương xót, yêu mến và tin tưởng”; đồng thời nhấn mạnh: “Đồng bào vùng Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc”… Dù phải gian lao kháng chiến, dù bộn bề công việc quốc gia đại sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành cho đồng bào và chiến sĩ Thủ đô sự quan tâm ân cần, chu đáo. Người dõi theo mỗi khó khăn, thắng lợi và từng bước phát triển để kịp thời chia sẻ, động viên, cổ vũ quân dân Thủ đô kiên cường và kiên trì kháng chiến, cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Mừng Thủ đô giải phóng (tháng 10-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Chính phủ và nhân dân Hà Nội hãy đoàn kết nhất trí, giữ gìn trật tự trị an, vượt qua những khó khăn, hy sinh trong hoàn cảnh mới, để cùng nhau cố gắng khôi phục, củng cố, phát triển đời sống vật chất, đời sống tinh thần của Thủ đô, “làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Đồng thời, phát huy truyền thống “thứ nhất kinh kỳ”, Người kêu gọi nhân dân Thủ đô cùng “gây nên một phong trào cần, kiệm, liêm, chính và mỹ tục, thuần phong”, để Hà Nội xứng đáng với tên gọi Thủ đô “ngàn năm văn hiến”, ngày một hồi sinh và phát triển.

Chiều 31-12-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ tới đặt vòng hoa viếng, kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc tại Đài liệt sĩ Hà Nội; ghi nhận công lao của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân, của đất nước, đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và toàn dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng, góp phần làm cho Thủ đô và miền Bắc được giải phóng.

Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác

Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm vào ngày 19-5-1955 tại sân nhà máy. Ảnh tư liệu

Về Thủ đô, dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in bóng tại nhiều công trường, khu phố, trận địa; đến với các gia đình chính sách có công với cách mạng, công nhân lao động... từ đô thị đến ngoại thành. Từ Tết Ất Mùi (1955) trở đi, gần như năm nào Người cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Hằng tháng ít nhất một lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian nghe các đồng chí lãnh đạo Hà Nội báo cáo tình hình và thường xuyên đi thăm các xí nghiệp, trường học, bệnh viện, xóm làng ngoại thành.

Người không những đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, các cấp chính quyền về vấn đề tăng gia sản xuất, đắp đê phòng chống lũ lụt, chống hạn để phát triển kinh tế mà còn lưu ý những vấn đề liên quan đến giáo dục, xây dựng cuộc sống mới, quản lý hộ khẩu... để xây dựng và phát triển Thủ đô. Người gửi thư và mong HĐND thành phố “sẽ ra sức vận động đồng bào Thủ đô đoàn kết chặt chẽ, hăng hái tham gia thực hiện mọi chủ trương công tác của Đảng và Chính phủ…

Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục làm cho Thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên một thành phố gương mẫu cho cả nước”. Đồng thời, Người dành thời gian đi thăm Nhà máy Điện Hà Nội, thăm cán bộ và công nhân Nhà máy Cơ khí Hà Nội, thăm giáo viên và học sinh Trường Phổ thông cấp III Chu Văn An, gửi thư cho cán bộ, công nhân, chiến sĩ Xưởng May 10, đến dự các đại hội Đảng, đại hội những người sản xuất trẻ Thủ đô, thăm bệnh viện, nhà trẻ, thăm các đơn vị bộ đội, công an..., để động viên nhân dân Thủ đô trong công cuộc khôi phục và xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh, góp sức cùng đồng bào miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Tại Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Hà Nội ngày 25-4-1959, Người khẳng định quyết tâm xây dựng “Thủ đô Hà Nội phải trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” và yêu cầu: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng”. Ở đó, “mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”; “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải có đạo đức cách mạng, phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể. Đảng viên, đoàn viên bất cứ ở đâu, bất cứ làm công việc gì, phải thật gương mẫu. Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác”.

Để “Hà Nội có thể làm gương mẫu cho cả nước noi theo”, các cấp “lãnh đạo phải quyết tâm làm cho Hà Nội được trong sạch”; “cán bộ, đảng viên phải luôn liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nhất là phải làm gương mẫu cho mọi người noi theo trong mọi mặt công tác”. Đồng thời, phải “đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, và phải làm sao cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi, liên tục, thành hoạt động tự giác của mọi người”. Người cho rằng, then chốt của công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh chính là xây dựng chi bộ, bởi “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết cuộc vận động xây dựng chi bộ, Đảng bộ “bốn tốt” ở khu vực ngoại thành Hà Nội, ngày 18-12-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải viết rõ 10 nhiệm vụ đảng viên ở các nơi khai hội, làm việc để hằng ngày đảng viên nhớ nhiệm vụ của mình mà phấn đấu thực hiện. Tiếp đó, Người nêu tóm tắt 6 tiêu chuẩn đảng viên và chỉ rõ yêu cầu “cần phải liên hệ mật thiết với quần chúng, phải nêu cao tinh thần chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, gương mẫu trong mọi công tác và trong đời sống”.

Ngày 14-5-1966, tại lớp huấn luyện đảng viên mới, Người khẳng định nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên là phải ra sức học tập lý luận Mác - Lênin, phải học tập đường lối của Đảng, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam; thái độ và phương pháp học tập phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là phải gắn liền lý luận với thực tiễn; phải “gương mẫu trong sản xuất và chiến đấu, phải gương mẫu trong đạo đức cách mạng. Hằng ngày phải tự kiểm điểm để cố gắng làm đúng 10 nhiệm vụ đảng viên”...

Những năm sau, Người gửi nhiều thư khen đồng bào, bộ đội và cán bộ Thủ đô; thư khen quân và dân Hà Nội đã đạt thành tích trong lao động sản xuất, trong giữ gìn an ninh trật tự, trong bắn rơi máy bay Mỹ... để bảo vệ Thủ đô, góp phần củng cố và phát triển Thủ đô khi đế quốc Mỹ ngày càng leo thang chiến tranh và phá hoại miền Bắc về mọi mặt, trong đó có Hà Nội...

Tết Kỷ Dậu năm 1969, trước khi đi xa không lâu, trên đồi cây của xã Vật Lại (huyện Ba Vì), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia trồng cây, mở đầu “Tết trồng cây” lần thứ 10 do chính Người khởi xướng.

*  

*   *

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song tấm lòng, tình cảm, lời dặn dò tâm huyết và những chỉ dẫn kịp thời của Người đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô trong những năm tháng cả nước tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó cũng chính là ánh sáng soi đường, cổ vũ, động viên cán bộ và nhân dân Thủ đô trên những chặng đường cách mạng, để một Hà Nội với bề dày truyền thống lịch sử luôn được bảo tồn và phát triển, không chỉ hào sảng trong lửa đạn của chiến tranh mà còn thơ mộng, hòa bình trong “trái tim của cả nước”; xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước Việt Nam đổi mới và hội nhập; luôn là niềm tin yêu, hy vọng của nhân dân cả nước trước những thách thức của hôm nay và mai sau...

Tiến sĩ Văn Thị Thanh Mai