Trung Quốc nỗ lực khôi phục sản xuất
Thế giới - Ngày đăng : 07:23, 17/03/2020
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Trung Quốc, đến đầu tháng 3-2020, tỷ lệ phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đạt hơn 90%.
Trong đó, các ngành hóa dầu, viễn thông, điện lực, giao thông vận tải vượt mốc 95%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 80%, các chuỗi siêu thị lớn là 95% và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 30%. Tân Hoa Xã cho biết, hơn 300 thành phố, thị trấn tại Trung Quốc đã nối lại hoạt động giao thông đường bộ, 41 địa phương khôi phục hoạt động đường sắt như Bắc
Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến… Hầu hết các cửa ngõ ra vào đường cao tốc trên toàn Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau khi bị phong tỏa vì dịch Covid-19. Khoảng 78 triệu công nhân ngoại tỉnh đã quay về nhà máy ở các tỉnh làm việc sau kỳ nghỉ kéo dài kỷ lục.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được “người khổng lồ châu Á” đưa ra nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất phục hồi sau những thiệt hại nặng nề trong thời gian qua do dịch bệnh. Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Hứa Hoành Tài cho biết, các cơ quan chính phủ đã phân bổ tổng cộng 110,48 tỷ nhân dân tệ (khoảng 16 tỷ USD) cho các khoản chi liên quan đến dịch Covid-19.
Bên cạnh việc kéo dài thời gian miễn phí giao thông trên toàn quốc, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục có những chính sách mới để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, nhất là những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, đồng thời tập trung rót nguồn vốn tài trợ cho các đơn vị dễ bị tổn thương nhất thay vì hỗ trợ ồ ạt. Những chính sách này bao gồm giảm tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng, giảm phí quản lý, hoãn nộp thuế, trợ cấp chi trả tiền lãi cho các khoản vay mới và hoàn lại khoản đóng góp cho an sinh xã hội.
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm bất ngờ tới thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi là tâm dịch Covid-19 của nước này. Trong cuộc họp với lãnh đạo địa phương, Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu vừa chống dịch, vừa thực thi các sách lược khác nhau nhằm khôi phục sản xuất vào thời điểm thích hợp cho từng khu vực, từng cấp và từng loại hình cụ thể, nhằm sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Sự có mặt của nhà lãnh đạo đất nước có ý nghĩa rất lớn khi gửi đi thông điệp về những thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch bệnh và sự hồi sinh của khu vực này sau nhiều ngày phong tỏa.
Theo Hãng tin CNBC của Australia, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I-2020 của Trung Quốc được dự báo ở mức dưới 2%. Số liệu của World Top Exports (trang tin chuyên cập nhật các số liệu, xu hướng và cơ hội thương mại toàn cầu) cho thấy, hằng năm, quốc gia được xem là “công xưởng” của thế giới cung ứng cho thị trường một khối lượng hàng hóa khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ USD, trong đó năm 2019 lên đến 2.465 tỷ USD.
Mặc dù vậy, việc giảm nhu cầu từ các đối tác lớn nhất trên toàn cầu do dịch bệnh khiến ngành sản xuất Trung Quốc một lần nữa phải đối mặt với khó khăn. Các công ty trong nước gần như có thể khôi phục lại sản lượng so với trước khi dịch bệnh bùng phát, song thị trường đang thu hẹp và nguy cơ bị hủy đơn hàng cao hơn khi các đối tác lớn tại châu Âu cũng đang lao đao trước sự bùng phát của dịch bệnh.
Dù khẳng định dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế, song Chính phủ Trung Quốc dự báo đây chỉ là những tác động trong ngắn hạn và không ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Những biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy khôi phục sản xuất, kinh doanh cũng nhằm tiếp sức cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt được mức tăng trưởng 6% trong năm nay như đã đặt ra. Quan trọng hơn, điều đó phù hợp với mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là tăng gấp đôi GDP và thu nhập của người dân nước này trong thập niên 2010-2020, dù áp lực đặt lên 3 quý còn lại trong năm là rất nặng nề.