Nuôi dưỡng, phát huy tinh thần cách mạng

Chính trị - Ngày đăng : 06:46, 17/03/2020

(HNM) - Là bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa phong phú của Hà Nội, các di tích lịch sử cách mạng đã và đang là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của nhân dân Thủ đô, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bảo tồn và phát huy giá trị các điểm đến lịch sử, văn hóa này, không chỉ thể hiện thái độ tri ân với thế hệ đi trước, mà còn là cơ sở để nuôi dưỡng, phát huy tinh thần cách mạng cho hôm nay và mai sau.

Nhà 5D Hàm Long (quận Hoàn Kiếm) đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Linh Tâm

Dấu ấn lịch sử khó phai

Nằm trên con phố nhỏ, nhưng không kém phần tấp nập, sầm uất của phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, ngôi nhà 42 Hàng Thiếc giống với các căn nhà khác trong phố, nếu không có sự hiện diện của tấm biển đá đỏ, gắn ngay ngắn, trang trọng trước cửa. Trên đó ghi dòng chữ vàng “Ngôi nhà 42 Hàng Thiếc là nơi ở và làm việc của đồng chí Đỗ Ngọc Du - Bí thư Thành ủy lâm thời từ giữa tháng 3-1930 đến cuối tháng 4-1930”. Đây cũng là nơi chứng kiến sự ra đời của Đảng bộ Hà Nội vào ngày 17-3-1930. Anh Đỗ Ngọc Hiếu (chủ cửa hàng inox số 42 Hàng Thiếc) cho biết: “Có rất nhiều người tìm đến đây để tìm hiểu lịch sử ngôi nhà, bày tỏ nguyện vọng nhìn ngắm cảnh quan, không gian. Lúc đó, tôi thấy rất vui và tự hào, sẵn sàng chia sẻ với mọi người những câu chuyện mình biết về địa chỉ này”.

Cách phố Hàng Thiếc không xa là phố Hàng Bông (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm), nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có ngôi nhà số 177, nơi thành lập Ban Chấp hành chính thức của Đảng bộ thành phố Hà Nội vào tháng 6-1930. Sự kiện này có ý nghĩa trọng đại, thể hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng Thủ đô cũng như đánh dấu một thời kỳ đấu tranh mới của Hà Nội dưới sự dẫn dắt trực tiếp của Đảng Cộng sản. Chịu nhiều đàn áp, khủng bố, nhưng cứ lớp chiến sĩ này ngã xuống, lại có lớp người khác đứng lên tiếp bước, không để phong trào bị gián đoạn.

Dòng lịch sử cách mạng kháng chiến tiếp tục dẫn dắt người quan tâm đến với nhiều “địa chỉ đỏ” khác trên “bản đồ yêu nước” của Thủ đô Hà Nội. Đó là: Di tích lịch sử 5D Hàm Long (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm), nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam; nhà số 300 Khâm Thiên (phường Thổ Quan, quận Đống Đa), cơ sở in giấu truyền đơn, tài liệu bí mật của Đảng bộ thành phố Hà Nội; chùa Hương Tuyết (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng), trụ sở hoạt động cách mạng của các đồng chí Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc...; nhà số 12 Nguyễn Hữu Huân (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) - nơi đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ và nhiều chiến sĩ khác bị tay sai của địch chỉ điểm, bắt giữ; di tích Nhà tù Hỏa Lò, hiện thân cho ý chí quật cường của những chiến sĩ cộng sản dưới đòn roi tra tấn của kẻ địch...

Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu cho biết: "Di tích Nhà tù Hỏa Lò ghi dấu nhiều tấm gương cách mạng kiên trung, trong đó có các đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Mạnh Đạt, Nguyễn Văn Ngọc, Lưu Đức Hiếu... Việc ghi nhớ, tôn vinh các chiến sĩ cách mạng tiền bối là nhiệm vụ quan trọng của di tích, nhằm thúc đẩy giáo dục truyền thống, nêu cao tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ".   

Khơi dậy, lan tỏa tinh thần yêu nước

Là địa phương mang đậm dấu ấn của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Thủ đô Hà Nội sở hữu hàng trăm di tích, địa điểm cách mạng - kháng chiến, trong đó, nhiều địa chỉ liên quan trực tiếp đến thời kỳ đầu của phong trào cách mạng Việt Nam, quá trình ra đời, phát triển lớn mạnh của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, cbảo tồn, phát huy giá trị những di tích này là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với lớp người đi trước, đồng thời là cơ hội để tiếp tục khơi dậy, lan tỏa tinh thần yêu nước, ý thức vun đắp, xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

Gắn những chiến công của các thế hệ đi trước với việc giáo dục, phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp của đất nước, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chú trọng tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích cách mạng kháng chiến, đưa các địa chỉ này trở thành nơi lưu giữ những trang sử đáng nhớ của Thủ đô. Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn thông tin: “Thông qua nhiều hoạt động giáo dục truyền thống hấp dẫn, sinh động, như: Triển lãm, trưng bày, nói chuyện chuyên đề, giao lưu với nhân chứng lịch sử..., nhiều di tích cách mạng, kháng chiến đã thành điểm đến yêu thích của những người làm công tác nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, công chúng và du khách trong, ngoài nước. Không ít nơi là địa chỉ đặc biệt để các cơ quan, đơn vị tổ chức kết nạp đảng viên mới hay tái hiện sinh động những kiến thức lịch sử, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường, bất khuất của Thủ đô và đất nước”.

Để phát huy hơn nữa những giá trị di sản trong thời đại mới, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, thành phố đang hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học cho các di tích lịch sử cách mạng; nâng cao chất lượng trưng bày từ các hiện vật sưu tầm, hiến tặng, nhằm tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản cũng được chú trọng thông qua hoạt động xuất bản sách, tờ rơi, đĩa CD; kết nối các điểm đến bằng tour du lịch chuyên đề gắn với những câu chuyện lịch sử cách mạng xúc động; tăng cường giáo dục di sản cho các học sinh, sinh viên với sự hỗ trợ, kết nối từ các nhà trường... “Những việc làm này đã và đang góp phần tạo nên tính chất lâu bền cho mỗi di tích, lan truyền rộng rãi giá trị truyền thống trong các thế hệ hôm nay và mai sau”, bà Bùi Thị Thu Hiền khẳng định.

Nguyễn Thanh