Hai bệnh nhi hồi sinh kỳ diệu sau hai ca ghép gan đặc biệt
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:29, 18/03/2020
Theo Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhân T.G.B mới 9 tháng tuổi ở Quảng Ngãi và bệnh nhân T.H.A 20 tháng tuổi ở Phú Thọ, đều mắc bệnh gan giai đoạn cuối do các biến chứng nặng của bệnh teo đường mật bẩm sinh.
Đây là dị tật bẩm sinh nặng của hệ thống đường mật, gây tổn thương đường mật trong và ngoài gan, khiến sự dẫn mật bị ứ trệ và gây hậu quả xơ gan mật và các biến chứng nặng nề, bệnh nhi có thể tử vong do xuất huyết tiêu hóa nặng hoặc hôn mê gan.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đã hội chẩn và đưa ra quyết định ghép gan là biện pháp duy nhất có thể cứu sống bệnh nhân.
Tuy nhiên, đây là quyết định rất khó khăn trong hoàn cảnh bệnh viện đang cùng cả nước phải dồn nhân lực cho cuộc chiến chống dịch Covid-19, bệnh nhân đang trong tình trạng nặng, một trong hai bệnh nhân là trẻ rất nhỏ (bé T.G.B chỉ mới 9 tháng tuổi), đòi hỏi sự quyết tâm của đội ngũ y, bác sĩ để vượt qua các trở ngại về kỹ thuật. Cả hai trường hợp này được nhận gan từ bố mẹ đẻ của mình.
Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương kiêm Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Nội soi Nhi khoa và Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, đã có nhiều thách thức xảy ra trong quá trình ghép gan cho hai bệnh nhi. Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật để tăng cường lượng máu cho tĩnh mạch cửa. Trong khi đó, bên phía người cho cũng có bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép. Cả hai ca mổ đều kéo dài thời gian đến khoảng 10 giờ đồng hồ.
Tình trạng sau mổ tạm thời ổn định, bệnh nhân đã được chăm sóc tích cực sau phẫu thuật và hiện được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại khoa Gan mật - Trung tâm Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi trung ương.
Hai ca ghép gan thành công này một lần nữa đánh dấu các bước tiến bộ về kỹ thuật ghép tạng và các nỗ lực của bệnh viện trong điều trị cho các bệnh nhi không may mắc bệnh hiểm nghèo.