Sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 ở mức cao nhất
Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 18/03/2020
Kể từ khi ca nhiễm thứ 17 xuất hiện (ngày 6-3), Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch Covid-19, kết thúc chuỗi 22 ngày liên tục không có ca bệnh mới phát sinh. Tuy vậy, diễn biến tình hình dịch bệnh như hiện nay đều nằm trong kế hoạch ứng phó của ngành Y tế Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Chúng tôi đã sẵn sàng nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế để bảo đảm đáp ứng các tình huống đề ra. Đối với nguồn nhân lực, trên toàn quốc có khoảng 89 nghìn bác sĩ, 126 nghìn điều dưỡng. Thậm chí, nếu tình huống xấu xảy ra, chúng tôi sẽ huy động thêm sinh viên năm cuối của các trường đại học y, dược trên cả nước, lực lượng này có khoảng 16 nghìn người. Chúng tôi cũng chuẩn bị đủ máy thở. Nếu cấp độ dịch xảy ra với 3.000 người mắc, chúng ta hoàn toàn chủ động được số lượng máy thở, trang thiết bị hiện có. Đây là nguồn nhân lực, vật lực vô cùng quý giá để Việt Nam có thể sử dụng hiệu quả trong công tác khoanh vùng dập dịch cũng như điều trị cho người bệnh".
Hiện 3 bệnh viện tuyến trung ương được chỉ định điều trị bệnh nhân nặng là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện trung ương Huế. Trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có 1.000 giường, 10 phòng cách ly, khoảng 70 chiếc máy thở… dành cho bệnh nhân nặng. Tính đến 17h ngày 17-3, bệnh viện này đang điều trị cho 18 bệnh nhân dương tính với Covid-19. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc bệnh viện cho biết, gần 2 tháng nay, bệnh viện tập trung lực lượng tham gia tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nguy cơ, bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Cùng với sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn, hệ thống bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô cũng đã sẵn sàng cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới. Là một trong 6 bệnh viện chủ chốt được giao nhiệm vụ tiếp nhận điều trị khi có bệnh nhân Covid-19 nhập viện, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã phân khu riêng để khám sàng lọc và tiếp nhận các bệnh nhân có nguy cơ. Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) thông tin, bệnh viện đang thực hiện tiếp nhận cách ly khoảng 70 công dân có tiếp xúc với ca bệnh Covid-19. Tất cả các bác sĩ cũng thực hiện cách ly cùng và bệnh viện chia làm 3 ê kíp, mỗi ê kíp là 1 bác sĩ, 3 điều dưỡng, hộ lý...
Hiện tại, tất cả các công dân được cách ly ở đây sức khỏe ổn định. Chị Đào Hải Y. (phường Việt Hưng, quận Long Biên) - là trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân số 30 dương tính Covid-19 đang cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chia sẻ: "Những ngày này, tôi được cán bộ, bác sĩ của bệnh viện chăm sóc chu đáo. Các bác sĩ hằng ngày đều đo thân nhiệt cho từng người, mọi vật dụng đều được khử trùng. Tôi và mọi người đều yên tâm, chấp hành nghiêm mọi quy định trong thời gian cách ly theo dõi sức khỏe”.
Sáng 17-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và GS.TS Nguyễn Gia Bình, chuyên gia hàng đầu về hồi sức tích cực và các chuyên gia của đội cơ động phản ứng nhanh (Bệnh viện Bạch Mai), các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 đã hội chẩn cho hai trường hợp bệnh nhân Covid-19 cao tuổi, mắc bệnh nền mạn tính và đang phải thở máy.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, chúng ta không hoang mang, nhưng cũng không chủ quan. Với tình huống như hiện nay, công tác điều trị vẫn cần thực hiện quyết liệt việc phân tuyến. Thực hiện tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh và theo dõi cách ly triệt để tại địa phương. Ngoài ra, địa phương sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến dân y cũng như thiết lập cơ sở cách ly, điều trị tại chỗ.
Để bảo đảm nhân lực giỏi và đủ đáp ứng điều trị các bệnh nhân nặng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã thiết lập Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19. Với sự tham gia của các chuyên gia giỏi về truyền nhiễm và các chuyên khoa: Sản, nhi, hô hấp, hồi sức tích cực tại tuyến trung ương, thông qua bệnh án điện tử sẽ trực tiếp hỗ trợ tuyến dưới chẩn đoán, điều trị các ca bệnh Covid-19 đến tận y tế tuyến huyện của 63 tỉnh, thành phố.
Tối 17-3, Bộ Y tế công bố thêm 5 ca mắc mới Covid-19 tại Hà Nội, Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. 5 người mới mắc Covid-19 đều trẻ tuổi (từ 18 đến 36 tuổi), phần lớn là du học sinh từ châu Âu về nước. Như vậy, tính đến 21h ngày 17-3, Việt Nam đã ghi nhận 66 ca dương tính với Covid-19. Riêng từ ngày 6-3 đến 17-3 đã có thêm 50 ca mắc mới.
Các tỉnh, thành phố có người mắc Covid-19, gồm: Vĩnh Phúc 11 người; Hồ Chí Minh 11 người; Khánh Hòa 1 người; Thanh Hóa 1 người, Hà Nội 15 người; Ninh Bình 1 người; Ninh Thuận 1 người; Quảng Ninh 6 người; Lào Cai 2 người; Đà Nẵng 3 người; Huế 2 người; Quảng Nam 3 người; Bình Thuận 9 người.