“Bản giao hưởng” ở Thung Nham

Du lịch - Ngày đăng : 12:08, 19/03/2020

(HNMCT) - Ninh Bình là tỉnh được thiên nhiên ưu ái với nhiều danh thắng nổi tiếng như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động..., và đặc biệt là điểm du lịch sinh thái ít người biết đến - đảo cò Thung Nham (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư).

Trước đây, khu vực này là rừng rậm, có rất nhiều chim hạc, cò, vạc... về làm tổ. Đường vào rất khó khăn, chỉ có những người đi rừng chuyên nghiệp mới nắm rõ. Những năm gần đây, khu vực này được đầu tư làm khu du lịch sinh thái, có đường vào thuận tiện, đặc biệt là cảnh quan được bảo vệ, giữ gìn để tạo môi trường phù hợp cho các loài chim sinh sống. Đây cũng là điểm nhấn thu hút khách du lịch tới Thung Nham khám phá.

Để đến được nơi có hàng nghìn con hạc, cò, du khách phải di chuyển bằng thuyền, đò trong khoảng 10 phút. Trên đường di chuyển, du khách sẽ quan sát được những dãy đá vôi sừng sững bao bọc kín Thung Nham, xen kẽ đó là một số hang động và dải rừng nhiệt đới. Tại đây có tất cả gần 40 loài chim, cò khác nhau, trong đó chủ yếu là chim hạc, cò trắng, diệc và vạc, số lượng cao nhất ước tính khoảng 50.000 con. Đầu năm là khoảng thời gian các loài chim, cò bay về Thung Nham nhiều nhất để chuẩn bị cho mùa sinh sản. Ngoài ra, du khách còn dễ dàng thấy từng đàn le le đuổi nhau trên mặt nước và có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khác.

Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc từng đàn chim bay về sau một ngày kiếm ăn vất vả. Đây cũng là lúc chúng tập trung đông nhất trong ngày. Men theo các lối mòn lên đỉnh núi, chọn đúng thời khắc hàng nghìn con chim kéo về trong ánh nắng chiều sắp tắt, chắc chắn du khách sẽ có những bức ảnh đặc biệt với thời khắc khó quên. Nếu đi bằng thuyền, du khách sẽ được thỏa sức tiến lại gần và chụp ảnh đàn chim, cò bởi chúng đã quen với sự có mặt của con người.

Ngoài ngắm cảnh chim, cò, hạc làm tổ, du khách đến với khu du lịch sinh thái Thung Nham còn có thể tham quan Cây đa di chuyển - được cho là cứ 300 năm lại dịch chuyển 10m quanh ngôi đền cổ; động Vái Giời lung linh huyền ảo được ví như “Trần gian, địa ngục và thiên đường”; hang Bụt, nơi có tấm nhũ đá mang hình ông Bụt ngồi cạnh dòng sông. Đó là chưa kể động Ba Cô, động Tiên Cá, động Thủy Cung... Nhờ bảo vệ, giữ gìn khá tốt sự đa dạng sinh học cùng cảnh sắc thiên nhiên hoang dã nên Thung Nham được nhiều người ưu ái mệnh danh là “bản giao hưởng” của thiên nhiên.

Nguyễn Văn Công