Ghadames - viên ngọc Sahara
Du lịch - Ngày đăng : 12:14, 19/03/2020
Lịch sử lâu đời
Libya là quốc gia lớn thứ tư của châu Phi, có lịch sử lâu đời. Nằm bên bờ biển Địa Trung Hải, Libya trong quá khứ từng là trung tâm thương mại của nhiều nền văn minh có ảnh hưởng nhất thế giới. Quá khứ huy hoàng đó vẫn còn hiển hiện trong những di tích tuyệt vời, những công trình mang phong cách La Mã, Hy Lạp cổ đại và những kiến trúc cổ cho thấy sự thích ứng kỳ diệu của con người với môi trường tự nhiên.
Nằm cách thủ đô Tripoli khoảng 300 dặm (gần 500km), Ghadames là một thị trấn ốc đảo lớn ở vùng Tripolitania, phía Tây Bắc của Libya. Thị trấn này thường được gọi với biệt danh là “viên ngọc của sa mạc”. Dựa trên bằng chứng khảo cổ học, người ta khẳng định khu vực này đã được con người chọn định cư từ thiên niên kỷ thứ IV trước Công nguyên và là một trong những khu định cư lâu đời nhất trên toàn sa mạc Sahara.
Tuy nhiên, các ghi chép chính thức về Ghadames chỉ được bắt đầu vào thời kỳ La Mã và nó cũng cho thấy một lịch sử đầy biến động của ốc đảo này. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ thứ III, Ghadames bị người La Mã chiếm đóng, trở thành nơi đồn trú quân bảo vệ vùng đất La Mã khỏi sự xâm chiếm của những người du mục ở phía nam. Sau đó, Ghadames bị người Ả Rập Hồi giáo chinh phục. Từ đó đến thế kỷ XIX, Ghadames đóng vai trò quan trọng trong thương mại Sub-Sahara (các quốc gia châu Phi nằm ở phía Nam Sahara) do vị trí địa lý chiến lược của nó.
Với lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo, Ghadames là một nơi cực kỳ đặc biệt và là niềm tự hào của người Libya. Năm 1986, nơi đây được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Cuộc sống ở nơi nóng nhất thế giới
Đúng như ví von, thành phố cổ này là một “viên ngọc Sahara” thực sự, một kiến trúc cổ được bao quanh bởi những bức tường vững chãi với màu trắng là chủ đạo. Bên ngoài thành cổ là rừng cây chà là xanh mát mắt. Kiến trúc này từng bảo vệ hàng nghìn cư dân ở đây khỏi cái nóng bỏng rát, nhiệt độ trung bình ở Ghadames là 40oC, cao nhất có thể lên tới 55oC.
Kiến trúc của nơi này cho thấy sự thích ứng đặc biệt của con người với tự nhiên. Toàn bộ thành cổ được xây dựng chìm một phần dưới lòng đất, phần mái nhà tiếp giáp liên tiếp nhau tạo nên hệ thống giao thông ngầm có mái che nắng ở phía dưới, nhiều ngóc ngách như thể một mê cung. Các ngôi nhà ở đây được xây dựng giống nhau, thường gồm 4 tầng với các tầng hầm được dùng làm kho chứa, tầng trên thường bao gồm một gác mái và phòng ngủ. Vật liệu chủ yếu để xây dựng thành phố cổ này là bùn, vôi nên có khả năng cách nhiệt rất tốt. Mái nhà cao và màu sắc nhẹ nhàng làm cho các ngôi nhà trở nên mát mẻ.
Theo truyền thống, đàn ông làm chủ các tầng hầm, phòng chứa, trong khi chỉ có phụ nữ mới có thể đi lang thang trên mái nhà, bởi họ đóng vai trò là người tìm kiếm các đoàn lữ hành Sahara. Mohammed, một hướng dẫn viên địa phương, cũng là người sinh ra và lớn lên trong thành cổ Ghadames cho biết, những người lớn lên trong khu phố cổ buộc phải thuộc lòng đường đi bởi những con đường dưới lòng đất rất tối. Sự tương phản rõ rệt của bóng tối và ánh sáng, cũng như màu trắng chủ đạo của tất cả các bức tường ở đây dễ khiến người ta bị lóa mắt. Vì ánh sáng rất hiếm trong khu phố cổ nên có những chiếc gương được treo trên các bức tường khắp các ngôi nhà để phản chiếu ánh sáng vào từng phòng.
Cuối những năm 1990, gia đình cuối cùng đã tự nguyện rút khỏi phố cổ do thiếu nước và điện. Phần lớn cư dân chuyển đến sinh sống ở một thị trấn mới xây dựng gần đó, tuy nhiên, vào các dịp cuối tuần họ vẫn trở lại thành phố cổ để tránh cái nắng gay gắt. Mặc dù không còn có người ở nhưng phố cổ Ghadames vẫn là điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất ở Libya, từng thu hút rất đông khách nước ngoài trước khi những biến động chính trị xảy ra ở đất nước này. Những người yêu thích khám phá chỉ còn biết hy vọng vào sự ổn định trở lại và tình hình an ninh sẽ cho phép mọi người một lần nữa trải nghiệm "viên ngọc Sahara".