"Dịch" thành ngữ ra… tranh

Sách - Ngày đăng : 10:17, 19/03/2020

(HNMCT) - Thực tế, đôi khi chúng ta dùng thành ngữ theo thói quen, theo cách hiểu nôm na mà không tường tận xuất xứ, ý nghĩa, dẫn đến hiểu sai, vận dụng sai, viết sai khiến thành ngữ “sai một ly đi một dặm”.

Chẳng hạn thành ngữ “đều như vắt tranh” được rất nhiều người hiểu và viết là “vắt chanh”, “tai vách mạch dừng” được viết là “mạch rừng”, hay“lang bạt kỳ hồ” là hình ảnh của con chó sói đạp lên cái yếm của chính mình, rồi lại tự vấp phải đuôi, hàm ý chỉ sự lúng túng, luẩn quẩn, nhưng giờ đây lại “biến nghĩa” thành lang thang, phiêu bạt, nay đây mai đó không ổn định... Để giúp người đọc nắm được ý nghĩa của một số thành ngữ thông dụng, góp phần làm giàu thêm vốn từ, linh hoạt trong cách sử dụng, duyên hơn trong cách nói cũng như cách viết, mới đây NXB Kim Đồng đã cho ra mắt cuốn sách Thành ngữ bằng tranh sau hơn 3 năm biên soạn, chỉnh lý và thực hiện.

Tập hợp hơn 300 thành ngữ tiếng Việt thông dụng, cuốn Thành ngữ bằng tranh mang đến những cách giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với xu hướng đọc hiện đại. Ví dụ “dương dương tự đắc” được giải nghĩa cặn kẽ từ cách chiết tự - giải nghĩa từng từ, cụm từ đến cơ sở hình thành thành ngữ: “Dương dương: Từ tượng hình có nghĩa như là nhơn nhơn. Tự đắc: Tự cho mình là hay, là giỏi. Dương dương tự đắc là hành động tự đắc ý, thỏa mãn với việc làm của mình mà kiêu ngạo, vênh váo với mọi người. Ý nói: Vênh vang, đắc chí một cách kệch cỡm”.

Một số thành ngữ khác lại được giải thích xuất xứ, định nghĩa khái niệm, ví như hai chữ “lá cà” trong thành ngữ “đánh giáp lá cà”. Tác giả của cuốn sách Thành ngữ bằng tranh cho độc giả biết, lá cà là một bộ phận trong áo của võ quan ngày xưa, dùng để che ngực, bụng và hạ bộ. Mảnh kim loại này có hình giống chiếc lá cà nên được gọi là lá cà. Đánh giáp lá cà, bởi thế, là đánh mặt đối mặt, thậm chí lá cà của các võ quan có thể cọ xát vào nhau.

Đọc cuốn sách Thành ngữ bằng tranh mới thấy rõ lâu nay nhiều thành ngữ bị hiểu sai, dùng sai. Thành ngữ “nghèo rớt mồng tơi” chẳng hạn, đa phần người miền Bắc sẽ liên tưởng ngày đến giậu mồng tơi mà nếu ngắt lá, ngắt quả, cây sẽ đầy nhựa dớt (nhớt). Nhưng, nhớt mồng tơi không có liên quan gì đến cái nghèo rớt mồng tơi cả. Bởi ở thành ngữ này, mồng tơi là chỉ cái áo tơi khoác ngoài mà người xưa thường mặc để che nắng chắn mưa. Áo tơi được kết bằng lá cọ, phần xương lá ghép phía trên cổ áo được gọi là mồng tơi. Người trong thành ngữ ấy nghèo đến mức cái áo tơi đã rách, còn cái cổ áo (mồng tơi) cũng rớt xuống...

Không chỉ giải nghĩa, cung cấp kiến thức như kiểu một “từ điển” thành ngữ thông dụng, nét đặc biệt của cuốn sách Thành ngữ bằng tranh ở chỗ mỗi thành ngữ là một bức tranh minh họa thú vị và hài hước. Nếu nhà thơ Nguyễn Thị Hường Lý chịu trách nhiệm biên soạn về phần “lời” cho suốn sách, thì họa sĩ Nguyễn Quang Toàn lại chịu trách nhiệm “dịch” thành ngữ ra tranh. Với lối vẽ hý họa linh hoạt, hiện đại gần gũi với phong cách biếm họa báo chí, mỗi trang sách đã trở thành một câu chuyện bằng hình, giải thích ý nghĩa của một thành ngữ.

Qua mỗi minh họa tranh, từng thành ngữ lại thêm một lần nữa tác động đến thị giác của độc giả, tạo ấn tượng sâu và nét hơn. Các thành ngữ trong cuốn sách được sắp xếp theo thứ tự của bảng chữ cái tiếng Việt, giúp người đọc, đặc biệt là học sinh và người nước ngoài học tiếng Việt, dễ dàng hơn trong việc tra cứu, tìm hiểu.

Vân Lam