Cùng tạo nên câu chuyện đáng để kể về chuyển đổi số Việt Nam
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:00, 09/10/2022
Kinh tế số đã đạt 10,41% GDP
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Theo thống kê mới nhất của Cục Chuyển đổi số quốc gia, tính đến tháng 6-2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% cuối năm 2021. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra là 20% GDP vào năm 2025...
Vì vậy, năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, với những hành động cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Thông tin về các giải pháp chuyển đổi số mang lại tiện ích cho doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) Vũ Văn Tấn cho biết, công an đã cấp 71,8 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an cũng đã triển khai hệ thống "Định danh và xác thực điện tử" và chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành kể từ ngày 18-7-2022.
"Việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, định danh xác thực điện tử là bước cải cách đột phá về thủ tục hành chính và giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức. Đồng thời, đem lại lợi ích kinh tế to lớn như tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành cho 107,7 triệu thẻ ATM hiện đang sử dụng khi tích hợp với thẻ căn cước công dân", ông Vũ Văn Tấn chia sẻ.
Về các giải pháp số trong hoạt động vận tải, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải) Phùng Trọng Văn thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải đã đem đến hàng loạt lợi ích, như thực hiện dịch vụ tại bất cứ đâu; tiết kiệm thời gian và chi phí; tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ; hỗ trợ số hóa, lưu trữ hồ sơ để tái sử dụng lần sau; hình thành dữ liệu đơn vị (dữ liệu xe, tuyến khai thác, xử phạt hành chính...).
Chuyển đổi số gắn với sự phát triển của doanh nghiệp
Về chuyển đổi số tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Khối nghiệp vụ doanh nghiệp và tư vấn giải pháp FPT Digital khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành một hướng đi chiến lược cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Đặt vấn đề doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua, ông Minh cho rằng, các doanh nghiệp nên bắt đầu bằng cách xác định lộ trình phù hợp; thiết lập cơ cấu tổ chức chuyên trách điều hành giúp tăng tốc quá trình chuyển đổi số. Tiếp đó là việc tận dụng xu hướng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu chi phí, cùng với quá trình phối hợp với các đơn vị chuyên môn nhằm tháo gỡ những vướng mắc...
"Chuyển đổi số không phải là đích đến mà là một hành trình dài theo cùng sự phát triển của doanh nghiệp", ông Nguyễn Đức Minh tổng kết.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc tăng trưởng GapoWork cho biết, hoạt động chuyển đổi của doanh nghiệp nên tập trung từ khâu quản trị, giám sát đến kiến tạo môi trường làm việc số. Không gian làm việc số cung cấp cho nhân viên các công cụ, nền tảng và dịch vụ công nghệ thông tin để làm việc mọi lúc, mọi nơi, từ đó thúc đẩy năng suất.
Nếu không có không gian làm việc số, việc chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ gặp hàng loạt trở ngại, như: Độ trễ và sự minh bạch trong trao đổi công việc giữa các cấp; chất lượng, tốc độ phối hợp công việc bị hạn chế; tính liên thông dữ liệu kém hơn, phát sinh nhiều tác vụ thủ công, tốn nguồn lực và tạo nhiều lỗ hổng trong đồng bộ thông tin...
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia nêu rõ, định hướng trọng tâm của chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua phổ cập dịch vụ trực tuyến; phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã giới thiệu về Cổng chuyển đổi số quốc gia (địa chỉ dx.gov.vn), do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, cung cấp thông tin, công cụ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong hành trình chuyển đổi số.
Cổng được tích hợp nhiều chuyên trang với những thông tin hữu ích, như: Cẩm nang chuyển đổi số dành cho mọi người; chuyên trang về chính phủ số cho cơ quan nhà nước; chuyên trang SMEdx dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chuyên trang xã hội số cho người dân.
Đáng chú ý, tại cổng dx.gov.vn, Bộ Thông tin và Truyền thông tập hợp, đăng tải các bài toán, câu chuyện chuyển đổi số, đồng thời, cung cấp những khóa bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch; hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người dân trên cổng khonggianmang.vn...
"Bộ Thông tin và Truyền thông đã hành động và sẽ hành động để cùng đồng hành với các tổ chức, cá nhân trên hành trình chuyển đổi số. Những kết quả trên có thể chưa làm thỏa mãn được kỳ vọng, nhưng Bộ hy vọng nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng để chúng ta cùng nhau tạo nên một câu chuyện đáng để kể về chuyển đổi số Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.