Tháo gỡ ách tắc trong giải phóng mặt bằng dự án hạ tầng
Bất động sản - Ngày đăng : 07:27, 20/03/2020
Các dự án chỉnh trang, cải tạo bờ Nam kênh Đôi, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Dừa, rạch Bần Đôn…, thuộc địa bàn các quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh bị chậm tiến độ nhiều năm khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn. Ông Lâm Minh Thắng (ngụ phường 4, quận 8) cho biết, người dân đã chờ đợi hơn 20 năm nay, nhưng dự án di dời, cải tạo bờ Nam kênh Đôi đi qua địa bàn phường 4, quận 8 hiện vẫn chưa thể triển khai.
Ông Trần Quang Thảo, Chủ tịch UBND quận 8 cho biết, dự án chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân ở trên và ven bờ Nam và bờ Bắc kênh Đôi là dự án trọng điểm của quận. Tuy nhiên, đặc thù của dự án là tổng vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn ngân sách không thể đáp ứng. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ dân nằm trong dự án là lấn chiếm kênh, rạch để xây dựng nhà ở, khiến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, nhiều dự án về hạ tầng giao thông cũng chậm tiến độ do ách tắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Hiện thành phố có hơn 220 công trình giao thông trọng điểm, với nguồn vốn 78.000 tỷ đồng, được chia thành 7 nhóm dự án. Dự kiến trong năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành các dự án lớn như: Mở rộng khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực Cảng Cát Lái, các dự án đường cao tốc, các tuyến vành đai, cầu Thủ Thiêm 2, hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Bến xe Miền Đông mới… Song, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có khoảng 80 dự án chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng.
Về nguyên nhân, hầu hết dự án bị chậm có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, trong khi nguồn gốc đất, công trình khó xác định. Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng các dự án cải tạo kênh và xây dựng hạ tầng hai bên bờ kênh, trên địa bàn thành phố có hơn 21.800 căn nhà trên và ven kênh rạch phải giải phóng mặt bằng, tập trung nhiều nhất ở quận 8 (gần 10.000 căn), quận Bình Thạnh (hơn 1.800 căn), quận 7 (hơn 1.700 căn), quận 4 (hơn 1.600 căn)… Hầu hết công trình này đều có nguồn gốc là đất lấn chiếm.
Trong khi đó, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thông tin, thành phố phấn đấu giai đoạn 2016-2020 cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Tuy nhiên, ước tính đến năm 2020, thành phố chỉ bồi thường và di dời được 7.266 căn, đạt 36,3% kế hoạch đề ra.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh, để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đơn vị đã xây dựng 26 nhóm giải pháp, 4 nhiệm vụ trọng tâm như huy động tất cả nguồn lực trong và ngoài nhà nước, sử dụng hiệu quả cao nhất nguồn vốn đầu tư để đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% nguồn vốn kế hoạch.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, UBND thành phố đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung “đặc thù” để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng. Theo đó, thành phố thực hiện cơ chế tăng thêm thẩm quyền cho UBND quận, huyện nhằm chủ động triển khai công việc; đồng thời ấn định quy trình thời gian xử lý từ 30 đến 240 ngày tùy theo tính chất dự án.
Theo tính toán của các chuyên gia, cơ chế đặc thù này sẽ giúp giải quyết dứt điểm tình trạng đội vốn của các dự án trọng điểm hiện nay; xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm; tách phần việc giải phóng mặt bằng ra thành dự án độc lập, qua đó tạo quỹ đất để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố, thay vì chờ lập dự án rồi mới triển khai giải phóng mặt bằng.