Tăng kỷ lục, Italia ghi nhận gần 800 ca tử vong mới do Covid-19

Thế giới - Ngày đăng : 07:27, 22/03/2020

(HNMO) - Trong 24 giờ qua, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu và châu Mỹ khi số ca tử vong tăng kỷ lục tại Italia, số ca mắc bệnh tăng nhanh tại Mỹ và có dấu hiệu nóng dần lên tại nhiều khu vực ở châu Á.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 21-3, có 35 quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, phong tỏa hoặc giới nghiêm, tác động tới sinh hoạt của khoảng 900 triệu dân trên toàn cầu.

Khử trùng ga tàu điện ngầm Nuevos Ministryios ở Madrid, Tây Ban Nha.

Tới nay thế giới đã ghi nhận ít nhất 13.000 ca tử vong vì dịch Covid-19. Hơn 300.000 ca dương tính khi vi rút lây lan trên 188 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Châu Âu

Cơ quan Bảo vệ dân sự Italia ngày 21-3 cho biết, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 793 ca tử vong mới do Covid-19. Đây là số ca tử vong kỷ lục trong một ngày, nâng tổng số ca tử vong bởi vi rút SARS-CoV-2 ở Italia tăng vọt lên 4.825 người, chiếm 38,3% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới. Hiện tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại nước này là 53.578 trường hợp.

Giới chức y tế Italia xác nhận, một nhóm chuyên gia y tế gồm 53 bác sĩ và y tá Cuba đã có mặt tại tỉnh miền Bắc Lombardy để giúp quốc gia châu Âu đối phó với dịch Covid-19. Việc này được triển khai theo đề xuất của chính quyền vùng Lombardy, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 trên toàn lãnh thổ Italia với tổng số ca mắc bệnh là 25.515 trường hợp tính tới thời điểm hiện nay. Đây là nhóm chuyên gia có trình độ chuyên môn cao từng tham gia chống dịch Ebola và có kinh nghiệm ứng phó với những loại dịch bệnh truyền nhiễm.

Cùng ngày, Lombardy đã thông qua một loạt lệnh mới nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh tại vùng, trong đó có mức phạt lên đến 5.000 euro với những trường hợp không tôn trọng lệnh cấm tụ tập ở nơi công cộng. Lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 22-3 đến 15-4.

Tại Tây Ban Nha đã xác nhận thêm 285 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng lên 1.378 người. Số ca mắc Covid-19 ở nước này hiện lên tới 25.374, nhiều thứ hai ở châu Âu. Chính phủ Tây Ban Nha đã huy động thêm 50.000 nhân viên y tế để phòng, chống dịch bệnh.

Trong khí đó, số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mới tại Đức tăng thêm 2.407 ca chỉ trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 22.255 trường hợp. Tới nay, Đức có tổng cộng 84 người tử vong sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút này, tăng 16 ca so với một ngày trước đó.

Vương quốc Anh trong ngày cũng chứng kiến thêm 56 người tử vong. Tới hết ngày 21-3, đảo quốc sương mù đã có tổng cộng 4.094 người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 233 ca tử vong.

Theo số liệu mới được Bộ Y tế Pháp công bố cuối ngày 21-3, số tử vong tại nước này đã nhảy vọt với 112 ca, nâng tổng số ca thiệt mạng vì dịch Covid-19 lên 562 trường hợp và 14.459 người dương tính với vi rút. Quốc hội Pháp ngày 21-3 đã thông qua dự luật chống dịch bệnh, cho phép thiết lập tình trạng y tế khẩn cấp. Chính phủ sẽ hạn chế tối đa các quyền tự do công dân, thông qua lệnh phong tỏa, giới nghiêm, trưng dụng tài sản…, với thời hạn 2 tháng, mục đích duy nhất là chấm dứt thảm họa y tế.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21-3, giới chức nước này đã triển khai thêm nhiều biện pháp chống dịch Covid-19, trong đó quyết định ngừng các chuyến bay tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như cấm mọi hoạt động du lịch và ăn uống đông người trong bối cảnh số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng gần gấp đôi mỗi ngày trong một tuần qua kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Đến sáng 22-3, nước này đã có 277 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên 947 trường hợp.

Cùng ngày, Bộ Y tế Thụy Sĩ thông báo, nước này đã ghi nhận 6.100 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 56 ca tử vong. Chính phủ Thụy Sĩ đã tuyên bố lệnh cấm tụ tập hơn 5 người tại các không gian công cộng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Gói tài chính trị giá 32 tỷ CHF (32,7 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế cũng đã được công bố.

Châu Mỹ

Tại Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 cũng tăng chóng mặt. Tính tới sáng 22-3, Mỹ có thêm 5.403 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 24.786 người. Số ca tử vong mới là 34, nâng tổng số người chết vì dịch lên 301 trường hợp.

Trong tình hình đó, công ty chẩn đoán Cepheid có trụ sở tại bang California cho biết, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thông qua biện pháp chẩn đoán nhanh SARS-CoV-2 đầu tiên, với thời gian phát hiện ra vi rút chỉ mất khoảng 45 phút. Cepheid cho hay, họ được FDA cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với phương pháp chuẩn đoán này, sẽ được ưu tiên sử dụng trong các bệnh viện và các phòng cấp cứu. Công ty dự kiến bắt đầu ứng dụng phương pháp này tại các bệnh viện ngay trong tuần tới.

Châu Á

Ngày 21-3, Trung Quốc đại lục thông báo ngày thứ 3 liên tiếp không ghi nhận thêm ca mới nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong nước, trong khi tính tới hết ngày 21-3, các nước ASEAN ghi nhận trên 3.000 ca mắc Covid-19 và 65 ca tử vong.

Ngày 21-3, Singapore xác nhận thêm 47 ca nhiễm, chủ yếu là người từ nước ngoài trở về, nâng tổng số ca nhiễm tại đảo quốc này lên 432 người. Cũng trong ngày 21-3, Singapore đã công bố 2 ca tử vong đầu tiên vì dịch Covid-19.

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia xác nhận thêm 81 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 6 ca tử vong. Như vậy, quốc gia này đã ghi nhận tổng cộng 450 ca nhiễm và 38 ca tử vong vì dịch bệnh. Trước đó, chính quyền thủ đô Jakarta đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh trong hai tuần tới khi tỷ lệ tử vong tại quốc gia này leo lên mức cao nhất Đông Nam Á. Để hỗ trợ người dân, Chính phủ Indonesia tuyên bố sẵn sàng giải ngân 2,3 tỷ USD cho các chương trình an sinh xã hội nhằm giúp khoảng 70 triệu người dân ứng phó với các tác động tài chính của dịch Covid-19.

Chiều 21-3, Philippines cũng thông báo thêm 45 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 307 ca và 19 ca tử vong. Chính phủ Philippines đã yêu cầu hơn 50% dân số ở nhà tự cách ly để ngăn chặn vi rút lây lan.

Israel cũng thông báo thêm 178 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại quốc gia này lên 883 người. Trước đó, Israel ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì dịch Covid-19 là một bệnh nhân 88 tuổi ở Jerusalem. 

Tại khu vực Nam Á, Pakistan đã quyết định cấm mọi chuyến bay chở khách quốc tế tới nước này từ ngày 21-3. Lệnh cấm có hiệu lực trong 2 tuần. Những chuyến bay tới Pakistan đã cất cánh trước thời điểm lệnh cấm có hiệu lực vẫn sẽ được phép hạ cánh trong sáng 22-3, các chuyến bay ngoại giao và chở hàng không chịu tác động của lệnh cấm mới. Tới nay, Pakistan ghi nhận 524 ca nhiễm và 3 ca tử vong vì dịch Covid-19.

Kim Phượng