Lợi ích kép từ xây dựng vùng chăn nuôi an toàn
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:23, 22/03/2020
Hạn chế phát sinh mầm bệnh và kiểm soát nguồn gốc
- Không phải chỉ đến khi dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp Hà Nội mới phát triển các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ông có thể cho biết rõ hơn về nhận định này?
- Trước hết, Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng rất lớn - khoảng 1.000 tấn thực phẩm/ngày. Do đó, từ nhiều năm trước, thành phố đã xác định phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung và an toàn sinh học.
Cùng với việc tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xây dựng 76 xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết, từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đã tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hạn chế sự phát sinh của mầm bệnh... Hiện có 45 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 26 cơ sở chăn nuôi lợn, 12 cơ sở chăn nuôi gà, 2 cơ sở chăn nuôi vịt, 4 cơ sở chăn nuôi bò và 1 cơ sở chăn nuôi dê. Hà Nội cũng đã xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn đối với bệnh dại của chó, mèo trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Có thể nói, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã sớm nhận thức về tính hiệu quả của việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và bước đầu đã xây dựng thành công một số mô hình. Tuy nhiên, đây mới là những thành công bước đầu.
- Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh giúp kiểm soát nguồn gốc sản phẩm và hạn chế sự phát sinh của mầm bệnh, ngoài ra còn có những lợi ích nào khác, thưa ông?
- Lợi ích của vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với ngành Nông nghiệp nói riêng và xã hội nói chung là rất lớn. Cụ thể, việc hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh có thể ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây hại đến con người, gia súc, gia cầm và môi trường. Đồng thời bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Mặt khác, với những vùng chăn nuôi an toàn, chính quyền địa phương có thể chủ động được trong công tác phòng, chống dịch bệnh; thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát, giảm thiểu tác động tới môi trường xung quanh…
Trên thực tế, việc triển khai thực hiện vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là điều kiện cần thiết tạo ra vành đai an toàn, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Như ông vừa cho biết, Hà Nội đã xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn đối với bệnh dại của chó, mèo trên địa bàn quận Thanh Xuân. Ông có thể nói rõ hơn ý nghĩa của việc này?
- Hiện nay cả nước mới có 4 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại, trong đó có quận Thanh Xuân (Hà Nội). Đây cũng là vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại đầu tiên ở khu vực phía Bắc. Việc này không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn hướng tới xây dựng Thủ đô an toàn, thân thiện.
Thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ xây dựng các quận trong thành phố thành vùng an toàn đối với bệnh dại. Hiện tại, Sở NN&PTNT đã tham mưu với thành phố các giải pháp phòng, chống bệnh dại như quản lý đàn chó, mèo nuôi, hỗ trợ vắc xin tiêm phòng dại, trước mắt tập trung ở các quận nội thành. Đến nay, công tác quản lý chó nuôi và phòng chống bệnh dại đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ tiêm phòng dại đạt hơn 90%… Vì một Thủ đô an toàn, đáng sống, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các huyện.
Cơ cấu lại ngành chăn nuôi, loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ
- Có thể nói, việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh như những phân tích nêu trên, mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy vậy, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Vậy ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
- Vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh do Tổ chức Thú y thế giới công nhận được xác định là không xảy ra ca bệnh đăng ký an toàn dịch bệnh trong một khoảng thời gian quy định cho từng loại bệnh, từng loài động vật; hoạt động thú y trong vùng đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh… Để được công nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, các địa phương phải thực hiện lấy mẫu kiểm dịch động vật; công tác tiêm phòng vắc xin các bệnh cho vật nuôi phải bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn; nước, chất thải chăn nuôi phải được xử lý trước khi xả thải ra môi trường; hệ thống thú y viên kiểm soát được chặt chẽ vật nuôi từ khi nhập đàn, quá trình chăn nuôi đến xuất bán và giết thịt.
Tuy nhiên, với Hà Nội chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi trong hộ gia đình vẫn chiếm tỷ lệ cao với hơn 60% tổng số đàn, phương thức chăn nuôi này của người dân không bảo đảm được quy trình khép kín để ngăn ngừa dịch bệnh. Chưa kể, không ít người chăn nuôi thiếu ý thức tuân thủ các quy trình vệ sinh thú y, môi trường. Mặt khác, một số trang trại tuy có quy mô lớn vẫn nằm lẫn hoặc gần khu dân cư, không bảo đảm quy định về cách ly, dễ lây lan dịch bệnh… Vì thế, có thể nói, việc bảo đảm những tiêu chí và yêu cầu cần thiết để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh còn rất nhiều khó khăn.
Thêm nữa, chi phí thực hiện xét nghiệm và hoàn thiện các thủ tục để được công nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh lên tới 2-3 tỷ đồng. Đây chỉ là chi phí cho các xét nghiệm và thủ tục ban đầu, còn để duy trì bền vững vùng an toàn dịch bệnh sẽ còn tốn một khoản kinh phí tương đương.
Do kinh phí lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh thú y, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin và quy trình giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi chưa đạt yêu cầu là những rào cản đối với việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
- Theo ông, đâu là vấn đề cốt lõi để tháo gỡ những rào cản nêu trên, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm của ngành chăn nuôi, đồng thời bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng?
- Việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là rất cần thiết, không chỉ trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh và dịch bệnh gia súc, gia cầm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay mà còn để hướng tới một nền chăn nuôi bền vững.
Theo tôi, vấn đề cốt lõi là phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là phải từng bước loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Thay vào đó là chăn nuôi theo hướng tập trung có khả năng bảo đảm được các quy trình kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y. Hà Nội cần phát triển chăn nuôi tập trung ở các xã, vùng trọng điểm. Ví dụ, vùng đồi gò các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Quốc Oai cần tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa, lợn thịt...; hay vùng đồng bằng có địa hình cao như Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh thì phát triển chăn nuôi gà, lợn...
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phấn đấu đến cuối năm 2020, ngoài 45 cơ sở đã được chứng nhận sẽ có thêm 10-15 cơ sở chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh.
- Để triển khai có hiệu quả việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, các địa phương cần phải làm gì, thưa ông?
- Từ năm 2020, Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực, do vậy, trước hết cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước. Theo đó, người chăn nuôi phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh thú y, phòng, chống dịch bệnh mới được cấp phép đầu tư mở rộng sản xuất.
Để đáp ứng tình hình thực tế, trước mắt, các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh với phương châm phòng là chính, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất. Đồng thời dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh đối với chăn nuôi để người dân nắm vững và có biện pháp phòng chống.
Mặt khác, các địa phương phải có kế hoạch xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tập trung ở các xã, vùng trọng điểm theo quy hoạch của thành phố và lưu ý chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Ngoài việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thì việc tiêm đầy đủ vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi là biện pháp cần thiết và hiệu quả để giảm thiểu phát sinh mầm bệnh. Đây là những việc rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương để từ đó hình thành nhiều hơn các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô của chúng ta.
- Trân trọng cảm ơn ông!