Cập nhật dịch Covid-19 ngày 23-3: Italia cấm đi lại trên toàn quốc, Thủ tướng Đức tự cách ly tại nhà
Thế giới - Ngày đăng : 07:27, 23/03/2020
Châu Âu
Châu Âu hiện vẫn là tâm dịch Covid-19 của thế giới với các ca nhiễm và tử vong ngày một tăng.
Tại Italia, trong ngày 22-3, nước này đã ghi nhận 5.560 ca nhiễm mới và 651 trường hợp tử vong, giảm 15% số ca nhiễm mới và 18% số ca tử vong so với trước đó 1 ngày. Đáng chú ý, trong số những người tử vong có 1 người đàn ông 34 tuổi sinh sống tại thủ đô Roma. Theo báo cáo, người này không hề có bệnh nền và tử vong sau 4 ngày nhập viện.
Tối 22-3, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza và Bộ trưởng Nội vụ Luciana Lamorgese đã cùng ký ban hành lệnh cấm đi lại trong nội bộ Italia. Lệnh có hiệu lực ngay lập tức, người dân nước này không được phép rời khỏi nơi mình sinh sống để đến các địa phương khác.
Theo truyền thông địa phương, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định thực hiện cách ly tại nhà sau khi có tiếp xúc với một bác sĩ có kết quả dương tính với Covid-19. Thông tin này đã được Người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert xác nhận và cho biết thêm, trong thời gian cách ly, người đứng đầu Chính phủ vẫn thực hiện việc điều hành các công việc như bình thường.
Dù là vùng dịch lớn thứ năm thế giới, tỷ lệ tử vong ở Đức hiện ở mức 0,3%. Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do nước này đã thực hiện xét nghiệm quy mô lớn, có nhiều giường chăm sóc đặc biệt nhất châu Âu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe được nhà nước chi trả.
Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ có cuộc điện đàm trong ngày 23-3, trong bối cảnh các quốc gia G20 đang nỗ lực kết nối và phối hợp hành động nhằm ứng phó với sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Tại Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab đã được chỉ định làm người thay thế trong tình huống Thủ tướng Boris Johnson không thể lãnh đạo vì nhiễm Covid-19. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab đã có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần với Covid-19. Tuy nhiên, quyết định lựa chọn Ngoại trưởng Dominic Raab làm người thay thế đang gây tranh cãi lớn trong giới chính trị Anh.
Tại Tây Ban Nha, gần 400 người đã tử vong vì Covid-19 và hơn 3.000 ca nhiễm mới được ghi nhận chỉ trong một ngày, nâng tổng số người chết tại nước này lên 1.765 trường hợp và hơn 28.000 ca nhiễm bệnh, trở thành tâm dịch lớn thứ tư thế giới.
Ngày 22-3, nước Nga ghi nhận thêm 61 trường hợp nhiễm mới tại 6 vùng, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 367, trong đó, có tới 54 trường hợp được ghi nhận tại thủ đô Mátxcơva. Ban điều hành về ngăn ngừa và phòng chống dịch Covid-19 của Nga nhấn mạnh, sự lây lan dịch bệnh này là do du nhập từ các nước châu Âu.
Châu Mỹ
Mỹ ghi nhận 8.149 ca nhiễm mới và 112 trường hợp tử vong trong ngày 22-3, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 32.356 trường hợp - cao thứ ba trên thế giới sau Trung Quốc và Italia.
Các phương tiện truyền thông đưa tin, Thượng nghị sĩ Rand Paul đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2 và là Thượng nghị sĩ Mỹ đầu tiên tuyên bố nhiễm Covid-19. Chính trị gia này không nhớ đã tiếp xúc với bất kỳ người nào nhiễm bệnh trước đó. Trong khi đó, Chánh Thanh tra Sở Cảnh sát New York xác nhận, hơn 50 sĩ quan của sở này đã nhiễm Covid-19 nhưng chỉ có 1 người nhập viện.
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho biết, công ty này đã quyên góp 720.000 mặt nạ dự trữ khẩn cấp dùng cho nhân viên để tặng các cán bộ y tế. Bộ Y tế và dịch vụ Nhân sinh Mỹ cũng có kế hoạch mua thêm 500 triệu khẩu trang trong 18 tháng tới cho Kho dự trữ chiến lược quốc gia - nơi bảo đảm nguồn cung dược phẩm và vật tư y tế cho cả nước.
Châu Á
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã thực hiện lệnh phong tỏa bắt đầu từ 6h ngày 23-3 đến đêm 31-3. Động thái này diễn ra sau khi Ấn Độ thực hiện lệnh giới nghiêm toàn dân tự nguyện chưa từng có tiền lệ theo lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi nhằm góp phần ngăn chặn dịch Covid-19.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này thông báo đã phát hiện thêm 123 ca nhiễm dịch Covid-19 và 2 bệnh nhân tử vong trong ngày 22-3, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.306 và 10 người tử vong vì dịch bệnh. Trước tình trạng đó, Chính phủ Malaysia đã áp đặt lệnh phong tỏa có giới hạn trên phạm vi toàn quốc, đo thân nhiệt và khử trùng tại các nhà thờ, triển khai quân đội để tuần tra trên đường phố và hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch.
Bộ Y tế Singapore thông báo từ 23h59 ngày 23-3, nước này sẽ áp dụng lệnh cấm nhập cảnh hay quá cảnh Singapore đối với tất cả khách du lịch. Chỉ những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và vận tải đã được cấp thẻ làm việc và người đi theo được phép trở lại Singapore, nhưng sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày.
Tại Nhật Bản, gói kinh tế khẩn cấp trị giá hơn 30.000 tỷ yen đang được chính phủ cân nhắc nhằm giảm bớt tác động của dịch Covid-19, bao gồm cả các khoản chi cho lĩnh vực tư nhân. Số tiền này vượt quá con số 15.000 tỷ yen mà nước này đã chi trong gói kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ngày 22-3, Syria đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, là một người phụ nữ 20 tuổi. Trước đó, đã có nhiều báo cáo về các trường hợp dương tính tại nước này - nơi có hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề sau 9 năm nội chiến. Tuy nhiên, giới chức nước này đã bác bỏ các thông tin trên và chỉ chính thức xác nhận trường hợp đầu tiên vào ngày 22-3. Damascus cũng đã tuyên bố ngừng vận hành các phương tiện giao thông công cộng, đóng cửa trường học, công viên, nhà hàng và các hoạt động công cộng khác.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết, Ủy ban điều hành WB dự kiến sẽ xem xét các gói cứu trợ nhanh giúp Afghanistan và Ethiopia đối phó với đại dịch Covid-19. WB cũng đang chuẩn bị các dự án tại 40 quốc gia trên thế giới với số tiền lên tới 1,7 tỷ USD, nhằm giúp các nước này đối phó với tác động về kinh tế và sức khỏe do Covid-19.