“Chiến sĩ” áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:02, 23/03/2020
Căng mình làm nhiệm vụ
Kỹ thuật viên Trần Thị Như Hoa, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì, được tăng cường làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) trong những ngày cao điểm đón khách từ nước ngoài về Việt Nam. Nhiệm vụ của chị là hướng dẫn hành khách ngồi đúng tư thế, khuyến cáo để hành khách biết khi lấy mẫu ở hầu họng sẽ khó chịu, tiến hành lấy mẫu, lưu mẫu... Mỗi ngày chị di chuyển từ huyện Ba Vì đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và chiều ngược lại cũng gần hai trăm cây số. Có những ca trực 7h sáng, chị cùng các đồng nghiệp phải xuất phát từ 4h30 sáng. "May mắn là hầu hết hành khách đều hợp tác, vui vẻ khi chúng tôi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tuân thủ nghiêm nguyên tắc phòng dịch nên mọi việc diễn ra suôn sẻ" - chị Hoa chia sẻ.
Còn bác sĩ Đặng Đình Huân, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phụ trách tổ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong những ngày còn tổ chức lấy xét nghiệm hành khách ngay tại sân bay. Bác sĩ Huân kể, trong suốt ca trực 6 tiếng đồng hồ, bộ quần áo bảo hộ nóng bức, nặng nề cũng không "làm khó" được anh. "Vào ca trực, anh em chúng tôi hiếm khi nói chuyện với nhau, cũng không có thời gian nghỉ ngơi và chỉ tranh thủ trao đổi công việc khi thật cần thiết. Có lúc đến bữa, bụng đói nhưng anh em không nỡ dừng tay vì không muốn để hành khách phải chờ đợi lâu, để họ sớm về địa điểm cách ly sau một chặng bay đầy mệt mỏi" - bác sĩ Huân chia sẻ. Không chỉ vậy, bác sĩ Huân còn cho biết, kể từ khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, anh cùng nhiều đồng nghiệp đã ở lại cơ quan, không về nhà. "Nhiều lúc nhớ gia đình lắm nhưng tôi cố nén nỗi nhớ. Vì sức khỏe của người thân và cộng đồng, tôi tin gia đình sẽ thông cảm và chia sẻ” - bác sĩ Huân tâm sự.
Trong khi đó, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Nam, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chia sẻ: "Căng mình làm nhiệm vụ tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài không đơn giản như trực làm nhiệm vụ thông thường nên mỗi cán bộ, y, bác sĩ đều ý thức được trọng trách của mình. Khi làm việc tại đây, dù căng thẳng nhưng chúng tôi luôn tin rằng dịch bệnh sớm được ngăn chặn và bị đẩy lùi để chúng tôi bớt vất vả, được trở về sum vầy bên gia đình". Những ngày ấy, có mặt ở Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, chỉ chứng kiến từ xa công việc của những bác sĩ, nhân viên y tế cũng đủ thấy sự vất vả, tận tâm, trách nhiệm của họ. Họ đi lại thoăn thoắt trong khu vực làm việc, nhìn thấy người quen cũng chẳng kịp vẫy tay chào.
Thái độ, tinh thần làm việc của các nhân viên y tế trong những ngày lấy xét nghiệm tại sân bay quốc tế Nội Bài đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều hành khách. Anh Cao Tuấn Th., hành khách bay từ Ba Lan về Việt Nam ngày 17-3 cho biết: "Thực xúc động khi nhìn những “chiến sĩ” áo trắng tận tình hướng dẫn hành khách thực hiện theo quy trình y tế. Trong khó khăn, dịch bệnh mới thấy các anh chị ấy đã hy sinh và vất vả như thế nào" - anh Th. xúc động. Cùng chung cảm xúc, anh Đỗ Huy T., một hành khách trở về từ Thụy Sĩ cho biết: “Được các “chiến sĩ” áo trắng động viên, tận tình hướng dẫn thực hiện quy trình lấy mẫu xét nghiệm, nhiều hành khách cảm thấy ấm lòng. Tôi thực sự cảm phục họ bởi chính họ đã và đang góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng".
Nỗ lực vì mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh
Những ngày lượng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng cao, để bảo đảm sức khỏe cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã huy động 60 đội phản ứng nhanh của 30 Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và 5 đội của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tham gia lấy mẫu xét nghiệm. Các đội được chia thành 4 kíp thường trực 24/24 giờ. Mỗi ca làm việc trong thời gian ấy có khoảng 50 người, từ 6 đến 12 tiếng/ca tùy từng bộ phận. Trong ca trực, mỗi người một việc, từ hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt đến lấy mẫu xét nghiệm... Tất cả được quán triệt làm việc khẩn trương nhất, hiệu quả nhất. Nhờ thực hiện với tinh thần này, họ đã kịp thời lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hàng nghìn hành khách.
Khi nhìn lại công việc của những nhân viên y tế tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: "Mặc dù công việc nhiều, lại chịu sức ép thời gian nhưng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế Thủ đô đã tận tụy, nỗ lực hết mình, nhiều người quên cả lợi ích cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hải Nam, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, quá trình làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài những ngày vừa rồi đã mang lại nhiều trải nghiệm cho các bác sĩ, nhân viên y tế. “Điều quan trọng nhất là phải triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm dịch nhằm đáp ứng nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Tất cả các khâu đều được giám sát chặt chẽ, nghiêm túc, chỉ đạo nghiêm ngặt - từ kiểm tra tờ khai y tế; thu, đóng dấu tờ khai; giám sát máy đo thân nhiệt; giám sát tàu bay, hàng hóa cho đến phun khử khuẩn tàu bay, khử khuẩn môi trường trong nhà ga... Và để mọi việc diễn ra thông suốt, anh em trong đơn vị phải luôn ý thức rõ công việc, trách nhiệm với cộng đồng của mình" - bác sĩ Nguyễn Hải Nam thông tin.
Từ ngày 19-3, hành khách đi các chuyến bay quốc tế đến Nội Bài từ vùng dịch đã được phân luồng và chuyển đến địa điểm cách ly tập trung rồi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại đây. 60 đội phản ứng nhanh của 30 Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và 5 đội của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lại tiếp tục lên đường đến các địa điểm cách ly để thực hiện quy trình khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các hành khách.
Nhiệm vụ của các “chiến sĩ” áo trắng vẫn chưa dừng lại, thậm chí thêm phần vất vả. Nhưng trong câu chuyện của họ, không một lời kêu than vất vả. Tất cả chỉ đau đáu thực hiện nhiệm vụ một cách hoàn hảo nhất, để góp phần nhanh chóng đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19 như chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Hải Nam, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Không quá lời khi nói rằng họ thực sự là những "lá chắn" ngăn ngừa dịch bệnh lây lan nơi đầu tuyến phòng, chống dịch.