Tuyên truyền tốt để thúc đẩy chất lượng công tác cán bộ
Xây & Chống - Ngày đăng : 06:50, 23/03/2020
Có thể nói, nhận định trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước được đúc kết qua 90 năm Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành được nhiều kỳ tích vĩ đại trong thế kỷ XX và hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, trong đó công tác cán bộ qua các thời kỳ giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Công tác cán bộ chính là khâu “then chốt” của công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Qua các kỳ đại hội, Đảng ta ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trong bối cảnh chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, ngày 2-1-2020, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 214-QĐ/TƯ về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” để thay thế Quy định số 90-QĐ/TƯ ngày 4-8-2017 về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” cho phù hợp với thực tiễn, tình hình mới của đất nước hiện nay.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng… Xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài”.
Để triển khai thực hiện Quy định số 214-QĐ/TƯ có hiệu quả, giúp người dân và các cấp thấy được sự ưu việt, chuyển mình mạnh mẽ của Đảng ta, cần chú ý đặc biệt vào công tác tuyên truyền. Tuyên truyền tốt, sâu sắc, toàn diện các quy định liên quan tới tiêu chuẩn cán bộ sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng công tác cán bộ, phục vụ hiệu quả cho việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp. Với ý nghĩa đó, công tác tuyên truyền về Quy định số 214-QĐ/TƯ nói riêng, các nội dung mới trong tiêu chuẩn cán bộ các cấp nói chung cần tập trung một số nội dung sau.
Trước hết, cần tổ chức học tập, quán triệt Quy định số 214-QĐ/TƯ thật sự có hiệu quả. Muốn vậy, khi tuyên truyền cần làm rõ việc Quy định số 214-QĐ/TƯ ra đời thể hiện tính kế thừa, đổi mới, sáng tạo và phát triển của các nghị quyết và các văn bản khác về công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác cán bộ trước đó, trong đó có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 90-QĐ/TƯ ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị. Cần khẳng định đây là văn bản pháp lý quan trọng của Đảng làm cơ sở, căn cứ để nhận xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu cán bộ ứng cử chính xác và khách quan.
Một điểm quan trọng cũng cần tập trung quán triệt là Quy định số 214-QĐ/TƯ mang tính bao quát, toàn diện, đầy đủ khi bổ sung xây dựng thành hệ thống chức danh lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh, thành phố...
Khi tuyên truyền về “Tiêu chuẩn chung của cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý” trong Quy định số 214-QĐ/TƯ cũng cần nhấn mạnh những nội dung mới được bổ sung về một số phẩm chất trong mục “về năng lực và uy tín” như: “…Có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử cụ thể, có tư duy đổi mới…; kịp thời nắm bắt những thời cơ, vận hội; hành động quyết liệt…; có thành tích nổi trội, có kết quả và “sản phẩm” cụ thể góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị”. Việc bổ sung những tiêu chuẩn này là rất quan trọng và phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay. Một điểm mới nữa đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý là “hoàn thành tốt nhiệm vụ” thay cho “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” để phù hợp với tình hình chung.
Về tiêu chuẩn các chức danh, công tác tuyên truyền cũng cần nêu rõ các chức danh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đã được bổ sung cụm từ “là trung tâm đoàn kết”. Đây là tiêu chuẩn cực kỳ quan trọng thể hiện bản chất quý báu của Đảng ta và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Đồng thời nhấn mạnh việc bổ sung thêm tiêu chuẩn “uy tín cao trong nhân dân” ở bốn chức danh trên để khẳng định Đảng ta nhất quán thực hiện quan điểm “dân là gốc” theo truyền thống của dân tộc ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là yêu cầu cao đối với các chức danh đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.
Về tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư trong Quy định số 214-QĐ/TƯ còn nhấn mạnh việc bổ sung so với Quy định số 90-QĐ/TƯ những phẩm chất cực kỳ quan trọng là “Quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh của thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng thời cũng bổ sung Tổng Bí thư là người có “tư duy nhạy bén” và “bình tĩnh, sáng suốt” trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia dân tộc. Đây là hai phẩm chất cực kỳ quan trọng đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng để lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra những chiến lược, sách lược, xử lý các tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, giữ được môi trường hòa bình, ổn định để lãnh đạo đất nước tiếp tục phát triển.
Công tác tuyên truyền về công tác cán bộ cần làm nổi bật những nội dung mới liên quan đến việc điều động, luân chuyển cán bộ thể hiện ở mục 3 trong Quy định số 214-QĐ/TƯ về “Một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” mới được bổ sung là: 1) Cán bộ được điều động, luân chuyển từ nơi khác đến không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn “đã kinh qua chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp”; 2) Cán bộ được bổ nhiệm chức vụ tương đương hoặc kiêm nhiệm thêm chức vụ khác thì không nhất thiết phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chức danh tương đương hoặc tiêu chuẩn chức vụ kiêm nhiệm; 3) Cán bộ đang công tác trong lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử không nhất thiết phải bảo đảm tiêu chuẩn “quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp”; 4) Khi xem xét, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức danh mới chưa có trong quy định này thì áp dụng tiêu chuẩn chung và vận dụng tiêu chuẩn chức danh tương đương có vị trí, tính chất tương đồng.
Một điểm cần lưu ý nữa trong công tác tuyên truyền là cần nêu rõ khung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó bao gồm: 1) Nhóm tiêu chí về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật. 2) Nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong đó có tiêu chí chung và tiêu chí đặc thù theo từng nhóm chức danh cán bộ. Có thể nói lần đầu tiên Đảng ta xây dựng khung tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý một cách khoa học, bài bản, căn cơ, bám sát tình hình phát triển của Đảng và của đất nước trong giai đoạn mới. So với Quy định số 90-QĐ/TƯ thì Quy định số 214-QĐ/TƯ lần này có một điểm bổ sung vô cùng quan trọng về đạo đức, lối sống là “không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Việc bổ sung tiêu chí “không trục lợi” là vô cùng cần thiết, thể hiện tinh thần liêm, chính và nêu gương của cán bộ cấp chiến lược.
Để thực hiện có hiệu quả Quy định số 214-QĐ/TƯ thì trong quá trình triển khai cần đẩy mạnh tuyên truyền gắn quy định này với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 47-QĐ/TƯ về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 08-QĐ/TƯ về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 205-QĐ/TƯ về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.
Chúng ta tin tưởng rằng, khâu tuyên truyền được tổ chức bài bản sẽ giúp triển khai có hiệu quả Quy định số 214-QĐ/TƯ, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong công tác cán bộ, tạo ra nhận thức mới, cách làm mới, từ đó góp phần quyết định vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.