WHO nhận định Covid-19 tăng tốc, Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 24/03/2020
Số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu lập đỉnh mới, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ. Trong bối cảnh này Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch Covid-19 “đang tăng tốc”, xuất hiện ở gần như ở tất cả các nước.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, Covid-19 chỉ mất 67 ngày từ khi ca đầu tiên được ghi nhận để lên tới mốc 100.000 ca, mất 11 ngày để cán mốc 200.000 ca, nhưng chỉ mất có 4 ngày để đạt mốc 300.000 ca. Tuy nhiên, ông Ghebreyesus cũng khẳng định rằng, nhân loại có thể thay đổi hướng đi của đại dịch.
Bên cạnh đó, quan chức WHO đã kêu gọi đưa ra một cam kết chính trị nhằm đẩy lùi dịch bệnh và kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phối hợp với nhau nhằm thúc đẩy việc sản xuất thiết bị bảo hộ thiết yếu phục vụ nhân viên y tế.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng kêu gọi G20 hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp; đồng thời cho biết, IMF sẵn sàng huy động toàn bộ khoản cho vay trị giá 1.000 tỷ USD để chống dịch. Hiện gần 80 quốc gia trên thế giới đã đề nghị IMF viện trợ khẩn cấp để đối phó với đại dịch.
Nhận xét về tác động của Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu, bà Georgieva cho rằng, thế giới đang chứng kiến những thiệt hại “khốc liệt” về kinh tế, thậm chí có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm. Bà cho rằng, tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể nhiều hơn năm 2009. Trong bối cảnh đó, Giám đốc IMF khẳng định, thế giới cần có những cách phản ứng “chưa từng có tiền lệ”.
Trước tình hình mới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã kêu gọi lập tức triển khai lệnh ngừng bắn toàn cầu nhằm bảo vệ những người dân thường dễ bị tổn thương tại các vùng chiến sự khỏi sự hoành hành của đại dịch. Giới chuyên gia và ngoại giao cho rằng dịch Covid-19 sẽ tàn phá những quốc gia đang hứng chịu xung đột và có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém.
Châu Á
Trung Quốc đại lục tiếp tục ổn định khi không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới, số người hồi phục cũng đã đạt tới 72.703 trên tổng số 81.093 ca nhiễm. Số người tử vong là 3.270 trường hợp.
Tương tự, Hàn Quốc cũng chỉ ghi nhận 64 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 8.961 trường hợp, trong đó có 111 người tử vong, tăng 7 người.
Iran ghi nhận 23.049 trường hợp nhiễm (tăng 1.411 người). Số người tử vong tại quốc gia Trung Đông này là 1.812 (tăng 127 người).
Myanmar đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là hai nam công dân vừa trở về từ Mỹ và Anh.
Châu Âu
24 giờ qua tiếp tục ghi nhận kỷ lục buồn tại châu Âu khi có thêm hàng chục nghìn ca nhiễm mới được ghi nhận, tập trung chủ yếu ở các tâm dịch lớn là Italia (63.927 trường hợp, tăng 4.789 trường hợp), Tây Ban Nha (35.136 người, tăng 6.368 người), Đức (29.056 ca, tăng 4.183 ca), Pháp (19.856 trường hợp, tăng 3.838 trường hợp). Một số nước bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh còn có Thụy Sĩ (1.073 người), Anh (967 người), Áo (4.474 người), đưa tổng số người nhiễm tương ứng ở các nước này lên 8.547, 6.650 và 4.474 trường hợp.
Một tin vui cho nước Đức là Thủ tướng Angela Merkel đã có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trong lần xét nghiệm đầu tiên. Hiện tại, Thủ tướng Đức vẫn đang tự cách ly tại nhà, sau khi bác sĩ từng tiêm vắc xin cho bà bị xác định có nhiễm Covid-19.
Châu Mỹ
Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất thế giới trong ngày qua, khi có thêm tới 9.883 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên 43.339 ca, chỉ xếp sau Italia và Trung Quốc. Mặc dù vậy, sau vài ngày thảo luận kéo dài, Thượng viện Mỹ một lần nữa không thông qua được dự luật cứu trợ khẩn cấp.
Dự luật nếu được nhất trí và ban hành thành luật sẽ mở đường cho việc Washington bơm hơn 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế trong chương trình hỗ trợ các công ty chịu thiệt hại do đại dịch Covid-19. Dự luật do lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đề xuất này được 49 thượng nghị sĩ ủng hộ và 46 thượng nghị sĩ phản đối, không đạt được tỷ lệ cần thiết là 3/5 tổng số phiếu.
Châu Phi
Trong bối cảnh dịch bắt đầu diễn biến mạnh tại châu Phi, nhiều nước trong khu vực này đã mạnh tay siết các quy định đi lại. Trong đó, Nam Phi quyết định phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, còn Algeria cũng bắt đầu giới nghiêm thủ đô Algiers và thành phố Blida. Hiện, Nam Phi đã ghi nhận 402 ca nhiễm, tăng 128 trường hợp chỉ sau một ngày.