Bước đệm hình thành công dân điện tử

Đời sống - Ngày đăng : 07:40, 24/03/2020

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Đề án sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ phục vụ cho các mục tiêu phát triển chính phủ điện tử, hình thành công dân điện tử... Theo đó, Việt Nam sẽ có điện thoại thông minh giá 500.000 đồng, phổ cập 100% dân số...

Tại cuộc họp giao ban quý I vừa diễn ra đầu tháng 3-2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang xây dựng chương trình phổ cập điện thoại thông minh tới 100% dân số. Điều này được thực hiện thông qua việc sản xuất những chiếc điện thoại thông minh Việt Nam với giá chỉ 45-50 USD (khoảng 1.100.000-1.200.000 đồng), nhưng bán đến tay người dân chỉ khoảng 500.000 đồng (tương đương với mức 20 USD).

"Các nhà mạng trong nước sẽ bù giá 10 USD; các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng và máy điện thoại có khoảng 10 ứng dụng cơ bản, giúp giảm bớt giá thành sản phẩm thêm khoảng 10 USD; còn lại các nhà sản xuất trợ giá... Khi 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh sẽ rất thuận lợi cho việc triển khai chính phủ điện tử, hình thành công dân điện tử" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm.

Ngay sau thông điệp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về chương trình điện thoại thông minh giá rẻ, đại diện các nhà mạng, nhà sản xuất điện thoại cho biết đã sẵn sàng tham gia chương trình. Ông Nguyễn Thành Công, Trưởng ban Khách hàng cá nhân (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) cho biết, việc các nhà mạng hỗ trợ 10 USD/chiếc điện thoại thông minh là hoàn toàn khả thi. Đó cũng là cách mà nhà mạng đầu tư (theo hình thức khách hàng mua máy kèm gói cước dữ liệu 3G, 4G giá rẻ có cam kết thời gian sử dụng) để phát triển thuê bao dữ liệu.

Cùng quan điểm này, theo ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và phát triển dịch vụ (Tổng công ty Dịch vụ viễn thông Vinaphone), chỉ cần mỗi thuê bao sử dụng thêm ít nhất 10.000 đồng/tháng cước dữ liệu sẽ giúp các nhà mạng tăng thêm doanh thu từ dịch vụ. Đại diện nhà mạng Viettel thì cho rằng, việc trợ giá này là khoản đầu tư ban đầu và nhà mạng sẽ tăng doanh thu khi tỷ lệ người dùng 4G ngày càng lớn.

Về phía nhà sản xuất, ông Vũ Thành Thắng - Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ BKAV cho biết, với sự trợ giá của các nhà mạng, nhà cung cấp ứng dụng thì việc phổ cập điện thoại thông minh giá 500.000 đồng tới người dân là thực hiện được. Hiện BKAV đã làm chủ công nghệ lõi, do đó có thể tối ưu giá cho những sản phẩm điện thoại thông minh có giá khoảng 40-50 USD. 

Hiện trong số các nhà sản xuất, Công ty cổ phần Nghiên cứu và Phát triển (VinSmart) thuộc Tập đoàn Vingroup là đơn vị có thế mạnh nhất về năng lực sản xuất với Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart có tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm, trong đó năng lực sản xuất điện thoại thông minh đạt 23 triệu sản phẩm/năm.

Đặc biệt gần đây VinSmart đã đưa ra thị trường các mẫu điện thoại thông minh Vsmart có giá niêm yết chỉ 1,39 triệu đồng/chiếc. Ngoài ra, VinSmart đã phối hợp với Viettel phân phối điện thoại 4G dưới 1,5 triệu đồng/chiếc và điện thoại cơ bản (feature phone) 4G chỉ 400.000 đồng/chiếc... Do vậy, với tiềm lực hiện có, sự vào cuộc của VinSmart sẽ góp phần quan trọng cho thực hiện thành công chương trình sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đang chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ điện tử trên nền tảng di động. Do vậy, thúc đẩy sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số quốc gia và phát triển chính phủ điện tử, hình thành công dân điện tử.

Việt Nga