Dịch Covid-19: Tây Ban Nha đề nghị NATO hỗ trợ nhân đạo
Thế giới - Ngày đăng : 18:09, 25/03/2020
Châu Âu
Các lực lượng vũ trang Tây Ban Nha đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ nhân đạo nhằm chống lại đại dịch Covid-19 khi số ca tử vong ở nước này đã vượt lên 2.991 ca và số ca nhiễm tăng lên 42.058 trường hợp; đề nghị hỗ trợ gồm 450.000 máy trợ thở, 500.000 bộ xét nghiệm nhanh, 500 máy khí dung và 1,5 triệu khẩu trang y tế.
Tây Ban Nha là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất, với số ca tử vong đã ở mức cao thứ 3 thế giới sau khi ghi nhận 680 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Bất chấp lệnh phong tỏa chưa từng thấy được áp đặt từ ngày 14-3, cả số ca nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục tăng, khiến chính quyền kêu gọi quân đội tham gia nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của vi rút.
Tại Italia, tâm dịch nghiêm trọng nhất châu Âu, chính phủ nước này đã tăng mức phạt những người vi phạm lệnh phong tỏa lên 400-3.000 euro, so với mức phạt 206 euro trước đây. Trước đó, mọi cơ sở kinh doanh không thiết yếu đã được yêu cầu đóng cửa đến ngày 3-4. Thủ tướng Guiseppe Conte bày tỏ hy vọng sẽ sớm dỡ bỏ các hạn chế này.
Tính đến cuối ngày 25-3, nước Đức đã ghi nhận 33.927 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, 171 ca tử vong. Ba bang có số người mắc bệnh và tử vong nhiều nhất là Nordrhein-Westfalen, Bayern và Baden-Württemberg. Hiệp hội Bệnh viện Đức (DKG) cho biết, hiện các cơ sở điều trị tích cực ở Đức vẫn còn trống khoảng một nửa số giường bệnh. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang tiếp tục tăng sẽ là áp lực lớn.
Tại Anh, quốc hội sẽ tạm ngừng hoạt động trong ít nhất 4 tuần kể từ ngày 25-3, như một phần trong nỗ lực của Chính phủ Anh nhằm kiềm chế tốc độ lây lan SARS-CoV-2. Thượng viện Anh dự kiến sẽ thông qua một dự luật khẩn cấp tăng cường quyền hạn cho chính phủ để ngăn chặn dịch Covid-19 đang bùng phát.
Ngày 25-3, Nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) đã ủng hộ ý tưởng của các chính phủ, đề nghị hạn mức tín dụng phòng ngừa ở mức tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ quỹ cứu trợ của Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19. Hiện quỹ ESM có 410 tỷ euro (442 tỷ USD) vốn cho vay chưa sử dụng đến. Quyết định cuối cùng về việc sử dụng tiền từ quỹ này như thế nào sẽ được các lãnh đạo châu Âu thống nhất trong hội nghị trực tuyến vào ngày 26-3.
Châu Á
Chiều 25-3, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chính thức công bố việc áp dụng sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ 26-3 đến 30-4. Thông báo được đưa ra để đối phó với tình trạng lây lan dịch bệnh gia tăng nhanh chóng tại nước này cũng như khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 và tử vong tại châu Âu và Mỹ chưa có dấu hiệu chậm lại.
Cùng ngày, Bộ Y tế Thái Lan cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 107 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc trên cả nước này lên 934 người, 4 ca tử vong.
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã gia hạn lệnh phong tỏa thêm 2 tuần đến ngày 14-4 tới. Ông Yassin cũng thông báo rằng, gói kích thích kinh tế sẽ được công bố vào ngày 27-3 tới. Thủ tướng Malaysia cho biết, tính đến cuối ngày hôm nay, nước này đã xác nhận thêm 172 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm lên 1.796 người, với 17 ca tử vong.
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ tăng cường sản xuất bộ kit xét nghiệm vi rút. Nước này cũng đang áp dụng chế độ miễn quy trình cấp phép các trang thiết bị y tế cần sử dụng gấp để đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm. Hiện nhiều nước trên thế giới đang đề nghị Hàn Quốc xuất khẩu bộ kit xét nghiệm.
Châu Mỹ
Ngày 25-3, giới chức bang California của Mỹ đã khẩn thiết yêu cầu những người trẻ tuổi chú ý đến các cảnh báo an toàn về dịch Covid-19 sau khi một thiếu niên tử vong do vi rút SARS-CoV-2 tại bang này. Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom nhấn mạnh rằng, cái chết của thiếu niên trên sẽ là lời cảnh báo cho tất cả mọi người, vì cho đến nay, có khoảng 50% số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại bang này đều trong độ tuổi từ 18 đến 49.
Trong khi đó, các thượng nghị sĩ Mỹ và giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đạt được thỏa thuận về dự luật kích thích kinh tế quy mô lớn nhằm giảm bớt tác động về kinh tế do dịch Covid-19.
Trong một diễn biến có liên quan, phản ứng trước bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên kênh truyền hình Fox News về việc muốn mở trở lại các hoạt động kinh tế vào dịp lễ Phục sinh sắp tới, một số chuyên gia tài chính đã cảnh báo động thái này có thể phản tác dụng.
Hiện tại, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ đã lên tới 54.935 người, 784 bệnh nhân tử vong. 17 bang của Mỹ đã ban hành lệnh hạn chế đi lại với người dân trong vòng 15 ngày.
Tính đến 18h ngày 25-3, toàn thế giới đã có 425.662 ca nhiễm SARS-CoV-2, 18.951 người tử vong tại 194 quốc gia và vùng lãnh thổ.