Hà Nội đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:49, 25/03/2020

(HNM) - Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang tích cực phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố, đưa nông sản về tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Trả lời phóng viên Báo Hànộimới về việc bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Nội cũng cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng...

Các sản phẩm đặc sản của Lào Cai được giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô trong “Tuần lễ nông sản đặc sản và sản phẩm OCOP của Lào Cai tại thành phố Hà Nội” tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Thành Trung

- Với hơn 10 triệu người đang sinh sống, học tập, công tác tại Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông, lâm, thủy sản là rất lớn. Ông có thể cho biết rõ hơn về khả năng đáp ứng nhu cầu này của thành phố?

- Ước tính mỗi tháng nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội như sau: Gạo 92.970 tấn; thịt lợn hơi 18.594 tấn; thịt bò 5.230 tấn; thịt gà, vịt 6.198 tấn; rau củ 84.100 tấn... Ở thời điểm hiện tại, Hà Nội có 18.500ha rau, 19.500ha cây ăn quả; đàn trâu khoảng 23.000 con, đàn bò khoảng 130.000 con, đàn lợn 1,05 triệu con, tổng đàn gia cầm 32,5 triệu con; diện tích nuôi trồng thủy sản 24.000ha. Với năng lực hiện tại, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đáp ứng được 58% nhu cầu về thịt, 70% về cá các loại, 90% trứng gia cầm, 65% rau củ tươi... Số còn lại là do các tỉnh, thành phố khác cung cấp cho Hà Nội.

- Như vậy, nguồn cung một số mặt hàng nông sản của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngành Nông nghiệp đã có giải pháp gì để đa dạng nguồn cung, bảo đảm nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến mới, thưa ông?

- Không phải chỉ khi có dịch Covid-19 Hà Nội mới tăng cường xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác về mà gần 5 năm nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã thúc đẩy liên kết với 21 tỉnh, thành phố cung cấp chuỗi rau, thịt an toàn cho Hà Nội. Đến nay, Hà Nội và các địa phương khác đã phát triển được 766 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm. Hiện tại, mỗi ngày có hàng nghìn tấn nông sản của các tỉnh, thành phố được chuyển về tiêu thụ tương đối ổn định tại Hà Nội thông qua các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối. Chẳng hạn như: Tỉnh Hà Nam cung ứng cho thị trường Hà Nội khoảng 41,6 tấn nông sản, thực phẩm/ngày; Hòa Bình cung cấp 0,5 tấn rau/ngày, 6,9 tấn thịt lợn/ngày, 2,7 tấn thịt gà/ngày… Ngoài ra, có hơn 200 nhà cung cấp đã kết nối trực tiếp, đưa sản phẩm từ các địa phương khác về tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ hiện đại như: Siêu thị Vinmart, Big C Thăng Long, Saigon Co.op, Hapro...

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp sản xuất và liên kết cung ứng nguồn nông sản cho Hà Nội như vậy, có thể nói, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hà Nội cũng bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng.

- Những thành công trong việc liên kết với các địa phương khác để cung cấp nguồn nông sản về Hà Nội là đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Mặc dù có rất nhiều thuận lợi, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập như: Một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp còn lỏng lẻo, manh mún nên chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều; tỷ lệ sản phẩm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ còn thấp, nên phần lớn sản phẩm vẫn tiêu thụ ở chợ đầu mối của Hà Nội dưới hình thức không tem, nhãn mác. Mặt khác là công tác dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như việc cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào, ra giữa các tỉnh, thành phố với Hà Nội và ngược lại chưa theo kịp với tình hình sản xuất.

Thêm nữa, các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng chưa có trung tâm trung chuyển, kho hàng hóa lớn để từ đó chuyển đến các điểm bán lẻ dẫn đến lượng hàng hóa không nhiều, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

- Vậy để tháo gỡ khó khăn và tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố khác đưa nguồn hàng hóa bảo đảm chất lượng về tiêu thụ tại Hà Nội trong thời gian tới, Hà Nội cần phải làm gì, theo ông?

- Với mục tiêu nông sản đưa về tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội phải bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì, xây dựng và phát triển hệ thống minh bạch thông tin điện tử sử dụng mã QRcode cho các sản phẩm nông sản an toàn của Hà Nội cũng như của các tỉnh, thành phố khác đưa về tiêu thụ tại chợ thương mại điện tử (chonhaminh.gov.vn).

Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng như các địa phương khác ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước xuất khẩu. Thực hiện tốt chương trình “liên kết 4 nhà” để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố cần quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương mình, kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, rõ nguồn gốc cung cấp cho thị trường Hà Nội...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quỳnh