Chợ dân sinh, siêu thị: Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định
Xã hội - Ngày đăng : 16:26, 27/03/2020
Phong phú mặt hàng thực phẩm
Tại chợ Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), bà Phạm Thị Minh Dung, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn cho biết, sức mua từ các hộ gia đình hôm nay có tăng hơn so với những ngày trước, do các quán ăn đóng cửa để phòng dịch Covid-19 nên nhiều gia đình chủ động nấu ăn ở nhà. “Hằng ngày, tôi thường nhập khoảng 20kg thịt về bán đến chiều, nhưng hôm nay đến trưa đã hết”, bà Dung nói.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, quầy thịt số 17b ngõ Gia Ngư, chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm) cho biết, giá thịt lợn mấy hôm nay không biến động. Người dân có xu hướng mua hằng ngày chứ không tích trữ.
Mặc dù sức mua tăng nhưng giá thịt lợn vẫn ổn định: Thịt ba chỉ, nạc vai, sườn thăn có giá 160.000 đồng/kg; xương cục 80.000 đồng/kg, tim 240.000 đồng/kg, mông sấn 140.000 đồng/kg… Tương tự, giá các mặt hàng thủy hải sản, thịt gà, thịt bò… cũng không biến động.
Chị Lê Thị Thu Trà, kinh doanh thủy hải sản ở chợ tạm Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) thông tin, dịp này, lượng hải sản cung ứng ra thị trường dồi dào. Trong đó, tôm sú có giá từ 350.000 đến 520.000 đồng/kg tùy loại, ngao 20.000 đồng/kg, cá diếc 60.000 đồng/kg, cá trắm trắng từ 65.000 đến 80.000 đồng/kg tùy loại.
Trong khi đó, giá rau tại chợ nhích nhẹ: Su hào củ to được bán phổ biến 10.000 đồng/củ, mồng tơi 8.000 đồng/mớ, cải xanh 8.000-10.000 đồng/mớ, rau muống 10.000-12.000 đồng/mớ, rau ngót 7.000 đồng/mớ, dưa chuột 15.000 đồng/kg…
Chị Trần Thanh Dung, một người chuyên chở rau quả từ xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) tới chợ Gia Thụy (quận Long Biên) cho biết, thời gian gần đây, các gia đình đều có con nghỉ học nên lượng rau củ tiêu thụ tăng hơn hẳn so với trước Tết.
Trong khi đó, tại các siêu thị trên địa bàn thành phố, hàng hóa liên tục được xếp đầy ắp các kệ.
Tại siêu thị Big C Thăng Long, các quầy rau, củ, thịt cá liên tục được nhân viên siêu thị bổ sung hàng phục vụ nhu cầu người mua. Tương tự, tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại Vinmart và Vinmart+, Aeon… trong sáng 27-3, các quầy, kệ hàng luôn đầy rau, củ, thịt, cá cùng nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu khác.
Tại siêu thị Vinmart trên đường Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng), nhiều người dân đến mua nhưng không mua với số lượng lớn. Chị Nguyễn Thị Thêm, nhân viên siêu thị cho biết, sau khi nhiều quán ăn đóng cửa, người dân mua thực phẩm nhiều hơn, nhưng chỉ mua đủ dùng. Cùng với đó, hàng hóa của hệ thống rất dồi dào, bất cứ mặt hàng nào trên kệ có dấu hiệu vơi đều được bổ sung kịp thời nên người dân có nhiều sự lựa chọn.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dự báo có thể tăng khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đều đóng cửa, các doanh nghiệp đã nhanh chóng tăng lượng hàng dự trữ. Cụ thể, Vinmart tăng lượng hàng hóa lên 40 lần. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (thành viên Tập đoàn BRG) tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 30% đến 50% tại từng siêu thị và tăng gấp 10 lần tại kho trung tâm. Hệ thống siêu thị Co.opmart tăng lượng dự trữ tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh thêm 30%...
Chị Nguyễn Minh Trang, ngõ 113, phố Nguyễn Thị Định (quận Cầu Giấy) chia sẻ, sự chủ động trong chỉ đạo, cung ứng hàng hoá của chính quyền và các đơn vị kinh doanh khiến chị hoàn toàn an tâm, không lo thiếu lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, nhận thức rõ không được chủ quan với dịch Covid-19, nên mỗi lần đi siêu thị, chị thường mua đủ dùng cho từ 2-3 ngày để hạn chế đi lại, đến nơi đông người.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã chỉ đạo các nhà cung cấp, nhà sản xuất bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho các hệ thống phân phối; chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng ngay hàng về Hà Nội khi có biến động xảy ra. Dự kiến trong quý II-2020, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp sẽ dự trữ nguồn hàng tăng gấp đôi so với các tháng bình thường trong năm. Trong bất kỳ tình huống nào, các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, không để địa bàn bị trống hàng, thiếu hàng.
Bán hàng đi đôi với phòng dịch
Cùng với việc cung ứng hàng hóa, công tác phòng dịch cũng được các siêu thị đặc biệt quan tâm.
Tại các siêu thị Vinmart, trung tâm Aeon Mall Long Biên, Big C…, khách hàng vào siêu thị đều được nhân viên yêu cầu đeo khẩu trang, dùng nước sát khuẩn và đo thân nhiệt. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, khách hàng đến siêu thị đều nghiêm túc thực hiện đúng quy định. Đặc biệt, các siêu thị, trung tâm thương mại còn bố trí nhân viên thường xuyên vệ sinh sàn nhà, các vật dụng, bề mặt thường xuyên được tiếp xúc… để phòng ngừa dịch Covid-19.
Để giúp người dân thuận tiện hơn trong mua sắm, hạn chế việc đi lại, tập trung đông người, các siêu thị cũng đang đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, giao hàng đến nhà.
Do lượng khách không quá đông nên việc ra, vào siêu thị và chọn hàng diễn ra bình thường. Tuy nhiên, tại các điểm cân rau củ và quầy thanh toán vẫn còn tình trạng xếp hàng, một số người chưa để ý việc giữ khoảng cách 2 mét. Đây cũng là vấn đề mà các siêu thị, trung tâm thương mại cần lưu ý để trong trường hợp lượng khách hàng tập trung đông vào một thời điểm thì có giải pháp hướng dẫn, phân luồng hợp lý, bảo đảm an toàn sức khoẻ cho toàn cộng đồng.
Ngày 27-3, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc tập trung cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động; tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có).
Các đơn vị tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng mới (các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến…) để bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp các điểm bán hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn bị đóng cửa vì lý do dịch bệnh hoặc thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm. Đồng thời, hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa bảo đảm cung ứng liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, vừa bảo đảm an toàn.
Thảo Nguyên
Thành phố Hồ Chí Minh: Chuẩn bị đủ hàng hóa thiết yếu
Tại hầu hết các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, HTVCo.op thuộc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) không có tình trạng khan hiếm hàng hóa. Tại siêu thị Co.opmart trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), một trong những siêu thị Co.opmart lớn nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, mọi hoạt động diễn ra bình thường.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op khẳng định, nhà phân phối này đang dự trữ lượng hàng hóa lớn, tương đương với lượng hàng dự trữ của Tết Nguyên đán vừa qua. Trong khi đó, các nhà cung cấp vẫn cung cấp bình thường nên không có chuyện thiếu hàng hóa tại hệ thống 800 siêu thị thuộc đơn vị này.
Tại các chợ truyền thống, mọi hoạt động mua bán diễn ra bình thường, không có tình trạng mua tích trữ số lượng lớn. Chị Nguyễn Thị Thu (tiểu thương tại chợ Rạch Ông, quận 8) cho biết, Ban Quản lý chợ yêu cầu không găm hàng, không tăng giá; thậm chí, có tiểu thương còn giảm giá một số mặt hàng nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong giai đoạn dịch bệnh.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, Sở đã có kế hoạch chuẩn bị cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Sở cũng đề xuất UBND thành phố triển khai các giải pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu và thành phẩm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cũng như các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch.
Nguyễn Lê