Xử phạt hành chính hoặc hình sự hành vi làm lây lan dịch Covid-19
Đời sống - Ngày đăng : 13:52, 27/03/2020
Covid-19 - bệnh truyền nhiễm nhóm A đặc biệt nguy hiểm
Theo Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Các tác nhân này có thể là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.
Các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm, trong đó nhóm A gồm: Bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nile; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.
Trong số các bệnh truyền nhiễm, nhóm A là các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thuộc nhóm A, có mức độ nghiêm trọng nhất, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao.
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đề ra nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả là lấy phòng bệnh là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh là biện pháp chủ yếu; kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh.
Xử phạt hành chính đối với người không thực hiện khai báo dịch
Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm là: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật; phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Điều 47 nêu rõ, khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24h kể từ khi phát hiện.
Những người không thực hiện khai báo dịch bệnh đầy đủ sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Xử phạt nghiêm hành vi không chấp hành việc cách ly
Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly, có thể cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác để tránh dịch lây lan.
Tuy nhiên, với những trường hợp thiếu ý thức về tầm quan trọng của việc cách ly, không tuân thủ, chấp hành các biện pháp cách ly sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Theo Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, các đối tượng sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng với các hành vi: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định.
Tùy theo mức độ, hậu quả, hành vi không khai báo, bỏ trốn khỏi khu vực cách ly để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, một trong các hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người sau đây sẽ bị phạt mức 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
Xử phạt hành chính hoặc hình sự hành vi làm lây lan dịch Covid-19
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho rằng, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam cũng như trên thế giới, thì biện pháp cách ly kịp thời giúp phát hiện, khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, tiến tới dập tắt dịch bệnh này. Tuy nhiên, việc cách ly phụ thuộc nhiều vào ý thức tự nguyện của người được cách ly, cũng như gia đình và cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc không tuân thủ cách ly hoặc trốn cách ly là hành vi ích kỷ, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng bản thân và cộng đồng. Vì vậy, hành vi này phải lên án mạnh mẽ. Nghị định 176/2013/NĐ-CP có quy định, các trường hợp không tuân thủ hoặc trốn cách ly, làm lây lan dịch bệnh, gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng đến người dân phải bị xử lý. Nếu các hành vi vi phạm ở mức độ nhẹ thì xử lý vi phạm hành chính. Còn nặng hơn, tùy theo tính chất mức độ, thì xử lý hình sự. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đến nay, hành vi không tuân thủ hoặc trốn cách ly chưa bị xử lý, ngoài biện pháp cưỡng chế cách ly. Chính vì vậy, trong thời gian tới, thanh tra y tế các tỉnh, thành phố cần xử lý nghiêm những trường hợp này. Có như vậy mới bảo đảm được yếu tố giáo dục, răn đe...