ASEAN bàn thảo phương hướng, lộ trình triển khai 5G
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 18:39, 11/10/2022
Phát biểu khai mạc Hội nghị ASEAN về 5G, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, các nước trong khu vực ASEAN đang có chiến lược phát triển 5G nhưng đang phải đối mặt với các vấn đề về hạ tầng và an ninh thông tin. Trong đó, vấn đề tiêu chuẩn cho triển khai 5G có vai trò quan trọng. Do vậy, việc các nước ASEAN hợp tác cùng xây dựng lộ trình 5G là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới.
Chia sẻ về triển khai 5G, đại diện đến từ Bộ Nội vụ và Truyền thông của Nhật Bản - đối tác số của ASEAN cho biết, Nhật Bản đã đề ra mục tiêu phát triển mạng 5G với việc xây dựng hạ tầng phủ sóng 97% dân số vào năm 2025 (tương đương 300.000 trạm thu phát sóng 5G) và 99% vùng phủ năm 2030 (600.000 trạm thu phát sóng 5G).
Để đạt được mục tiêu này, năm 2019, Nhật Bản đã phân bổ tần số cho các nhà mạng để phát triển công nghệ 5G, từ đó mạng 5G phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn đưa ra chính sách miễn giảm thuế để thúc đẩy cho các công ty phát triển dịch vụ 5G. 5G đã giúp các sân bay triển khai xe tự hành, giải quyết bài toán thiếu nhân công, hoặc vận hành tự động giám sát container ở cảng biển.
Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ, Nhật Bản đã mở cho nhiều chủ thể tham gia trong xây dựng hạ tầng, với điều kiện bảo đảm an toàn an ninh. Đặc biệt, Nhật Bản lựa chọn triển khai công nghệ Open Ran (kiến trúc mạng thông tin di động cho phép các mạng được tích hợp với nhau sử dụng các phần tử mạng từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, giúp giảm chi phí thiết bị.
Công nghệ này khác với Ran vốn chỉ có một vài nhà cung cấp chi phối, giúp giảm 30% chi phí đầu tư, qua đó thúc đẩy cạnh tranh. Từ kinh nghiệm trên, đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông của Nhật Bản cho rằng, thúc đẩy Open Ran sẽ thúc đẩy triển khai 5G tại các nước ASEAN.
Đây cũng là quan điểm được ông Lê Trường Giang, Giám đốc Trung tâm mạng 5G của Tập đoàn Viettel tham luận tại hội nghị. Theo đại diện của Viettel, việc triển khai 5G trên thế giới chủ yếu theo 2 xu thế là Open Ran và Core. Trong đó, Open Ran mang tính chất đột phá với các thiết bị từng nhà cung cấp có tính tương thích. Viettel sử dụng nền tảng phần cứng chung theo Open Ran và tham gia vào Liên minh vô tuyến Open Ran.
Tham luận về xu hướng 5G, đại diện Qualcomm cho rằng, cần xây dựng hệ sinh thái trưởng thành từ tần số thấp đến tần số cao. Tần số thấp dùng cho các nhà máy thông minh. Khi đó, các nhà máy thông minh không chỉ được áp dụng các dây chuyền sản xuất mà cả cho vận hành và giám sát.
Đại diện Viện Công nghệ truyền thông Hàn Quốc cho biết, nước này đã thương mại hóa 5G từ năm 2019 và đến nay đã có 22 triệu thuê bao 5G. Trong đó, nhiều nhà cung cấp 5G đã đưa ra giải pháp cho nhà máy thông minh, xe tự hành, nội dung số, số hóa chăm sóc sức khỏe, xây dựng thành phố thông minh. Hàn Quốc có 33 dịch vụ 5G khác nhau với 8 nhóm dịch vụ như: Giao thông, y tế, an ninh quốc phòng, nhận diện chỗ rò rỉ khí gas, kết nối giữa các trạm truyền tải điện…
Trước đó, trong phát biểu khai mạc sự kiện Tuần lễ số quốc tế sáng nay, 11-10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, 5G là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số. Công nghệ số muốn phát huy thì cần hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây. Các nước ASEAN, từ năm 2019, đã tổ chức hội nghị thường niên về 5G. ASEAN cam kết đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ mới.
“Hợp tác số giữa các nước ASEAN là để tạo ra một ASEAN số. Để thực hiện One ASEAN thì chuyển đổi số và hợp tác số là lời giải tốt nhất. Việt Nam mong muốn ký kết hợp tác đối tác số với các nước ASEAN và các nước khác. Hợp tác đối tác số là một kiểu hợp tác mới. Chúng ta sẽ có các diễn đàn Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Hàn Quốc để bàn về phát triển đối tác số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.