Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo trung ương về Cải cách chính sách tiền lương
Chính trị - Ngày đăng : 19:44, 27/03/2020
Quy chế này quy định nguyên tắc, chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo trung ương về Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (Ban Chỉ đạo), nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện; thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai hoạt động chung và thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Về nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo được thành lập theo Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 25-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ và phạm vi giải quyết như sau:
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 25-3-2020 kiện toàn Ban Chỉ đạo trung ương về Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và đôn đốc triển khai thực hiện 3 đề án: Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp; Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công. Ban Chỉ đạo phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu các chính sách kinh tế - xã hội có liên quan đến chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; giải pháp tạo nguồn cho cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; đề xuất các biện pháp để xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Phạm vi chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; giải pháp tạo nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và các chính sách kinh tế - xã hội liên quan nêu trên bao gồm:
Chính sách tiền lương gồm: Mức lương cơ sở, quan hệ mức lương thấp nhất - trung bình - tối đa và tương quan tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức các ngành nghề và lực lượng vũ trang; các thang lương, bảng lương; ngạch, bậc lương; nâng bậc lương; chế độ trả lương và các chế độ phụ cấp đối với người hưởng lương thuộc khu vực nhà nước (từ trung ương đến cấp xã); tiền lương đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.
Chính sách bảo hiểm xã hội gồm: Bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung. Chính sách ưu đãi người có công gồm: Chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng và chế độ trợ cấp một lần đối với người có công với cách mạng; các chính sách ưu đãi khác đối với người có công; giải pháp tạo nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.