Giữ nếp kỷ cương

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:32, 28/03/2020

(HNM) - Dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp làm thay đổi nếp làm việc, sinh hoạt của mọi người, kể cả việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính ở các cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

Trong bối cảnh ấy, các giao dịch hành chính trực tiếp giữa tổ chức, cá nhân với các cơ quan hành chính ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể. Ngược lại, dịch vụ công trực tuyến lại đang ngày càng chứng minh rõ hiệu quả trong đời sống xã hội. Điều này đặt ra những nội dung mới trong việc giữ nếp kỷ cương hành chính với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt từ thành phố xuống cơ sở: Không vì dịch bệnh tác động mà cho phép lơi lỏng kỷ luật, kỷ cương!

Từ đầu năm 2020 đến nay, sự vận hành của hệ thống chính quyền các cấp nói chung; việc giữ kỷ luật, kỷ cương ở các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố Hà Nội nói riêng vẫn giữ được nền nếp từ kết quả thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” 2018 và 2019. Trong đó, hệ thống chính trị các cấp đã tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), “một việc - một đầu mối xuyên suốt”; quyết tâm đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp càng đòi hỏi thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức... tại các cơ quan hành chính nói chung, trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính nói riêng càng cao.

Trong đó, mỗi cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải ý thức rõ chức trách, nhiệm vụ được giao; tuân thủ nghiêm quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, thành phố trong thực thi công vụ. Đặc biệt là nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân. Cùng với đó là thực hiện nghiêm túc các quy tắc ứng xử tại cơ quan, nơi công cộng; không có hành vi làm xấu đi hình ảnh văn minh, thân thiện của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Mặt khác, trong bối cảnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạm dừng các hoạt động hội họp, tập trung trên 20 người, thì đây cũng là dịp để đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở tất cả cơ quan hành chính. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức phải là lực lượng tiên phong, sau đó lan tỏa tới người thân trong gia đình cùng thực hiện. Đặc biệt, với những cán bộ trực tiếp tham gia giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, công dân tại bộ phận “một cửa” thì càng cần đẩy mạnh tuyên truyền về những tiện ích, lợi thế của dịch vụ công trực tuyến tới cộng đồng dân cư. Cụ thể là giải quyết nhanh gọn, phúc đáp sớm những thắc mắc của tổ chức, công dân qua email, mạng xã hội… về những vấn đề họ chưa rõ để có hướng bổ sung, xử lý kịp thời.

Với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật hành chính và chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu để cấp dưới, cơ quan, đơn vị xảy ra vi phạm. Bởi thực tế nơi nào người đứng đầu sát sao với công việc thì kỷ luật, kỷ cương ở nơi đó rất tốt. Ngoài ra, cùng với các nhiệm vụ chính trị khác, người đứng đầu chính quyền cơ sở cũng chỉ đạo các ban, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dần hình thành thói quen tốt trong cộng đồng.

Sự cộng hưởng của toàn dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền các cấp trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần giữ nếp kỷ cương hành chính, quyết tạo đột phá mới, giúp ngăn chặn dịch Covid-19 thành công, trong khi hiệu quả công việc vẫn được bảo đảm thông suốt.

Đan Nhiễm