Chủ động chung sức gỡ khó
Kinh tế - Ngày đăng : 07:53, 28/03/2020
Vì vậy, hàng loạt giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ chỉ đạo, các cấp, ngành nhanh chóng triển khai, như khoanh nợ, hạ lãi suất tín dụng, giãn thời hạn nộp thuế, bảo hiểm…, để doanh nghiệp giải quyết khó khăn trước mắt và sẵn sàng trở lại sản xuất, kinh doanh ngay khi dịch bệnh được khống chế.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ của Chính phủ tập trung vào nhóm doanh nghiệp nào, cần được cân nhắc kỹ để sự hỗ trợ không bị dàn trải và bảo đảm hiệu quả cao nhất. Thực tế, khó khăn do dịch bệnh là khó khăn chung, nhưng nhu cầu hỗ trợ mỗi ngành, mỗi đơn vị có sự khác nhau mà không có "mẫu số chung". Mặt khác, sự hỗ trợ có lẽ chỉ nên tập trung cho lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề, lại tác động sâu rộng đến xã hội, đời sống nhân dân; hoặc là ngành sản xuất mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống, đáp ứng yêu cầu chống dịch bệnh.
Đến lúc này, hầu hết doanh nghiệp ở các lĩnh vực đều kiến nghị chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, kể cả lĩnh vực sản xuất ô tô hay bất động sản (lĩnh vực sản xuất ô tô xin giảm 50% thuế giá trị gia tăng; bất động sản xin gia hạn nộp tiền thuê đất). Đương nhiên, doanh nghiệp có quyền đề xuất chính sách, song trước hết doanh nghiệp nên tìm cách tự vượt qua khó khăn bằng nội lực của mình.
Bài học là có nhiều doanh nghiệp dệt may vừa qua khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất, lại gặp khó về thị trường khi nhiều đơn hàng hoãn thời gian giao nhận. Dù vậy, doanh nghiệp đã cố gắng duy trì sản xuất bằng cách giảm mọi chi phí. Từ lãnh đạo đến công nhân chia sẻ bằng cách cùng giảm lương để không ai phải nghỉ việc. Có đơn vị lại thấy đây là cơ hội để cơ cấu lại sản xuất hay tranh thủ đầu tư để hướng tới sự phát triển bền vững hơn. Điều đó đã cho thấy tinh thần chung tay, chung sức chiến thắng dịch Covid-19, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi.
Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ, giờ là lúc tinh thần này cần được đặt lên trên hết.
Hỗ trợ là cần, chủ động chung sức gỡ khó càng cần!