Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 09:28, 28/03/2020

Ngày 20-3, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TW hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng.

Sau đây là nội dung hướng dẫn:

1. Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Khi tổ chức Đảng chuẩn bị nhân sự là cấp ủy viên, đảng viên để giới thiệu ứng cử, bầu vào các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ trung ương đến cơ sở thì phải thực hiện theo Điều 13 Quy chế bầu cử trong Đảng và các quy định, hướng dẫn có liên quan.

2. Về số lượng và danh sách đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội; cơ quan tiếp nhận hồ sơ ứng cử, đề cử của đảng viên (Khoản 1, Khoản 2, Điều 4)

2.1. Cấp ủy triệu tập đại hội dự kiến số lượng và danh sách đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội, trình đại hội biểu quyết thông qua.

2.2. Cấp ủy triệu tập đại hội giao ban tổ chức của cấp ủy tiếp nhận, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đối với các trường hợp ứng cử, đề cử (theo các Khoản 4.1 và 4.2, Mục 4 của hướng dẫn này).

3. Về kiểm phiếu bằng máy vi tính (Điều 7)

Nếu kiểm phiếu bằng máy vi tính, cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy cấp triệu tập đại hội phải lựa chọn nhân viên kỹ thuật bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác bảo mật, giới thiệu cho đoàn chủ tịch đại hội xem xét, quyết định việc sử dụng. Thống nhất sử dụng phần mềm kiểm phiếu do Quân ủy Trung ương chỉ đạo sản xuất, bảo đảm tính bảo mật. Ban Tổ chức Trung ương chịu trách nhiệm quản lý, cung cấp.

4. Về thủ tục, hồ sơ ứng cử, đề cử (Điều 10, Điều 12)

4.1. Việc ứng cử, đề cử ở đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở:

- Đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội nếu ứng cử để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì làm đơn ứng cử (Mẫu số 1) nộp đảng ủy cơ sở.

- Đại biểu chính thức của đại hội khi đề cử đảng viên chính thức không phải là đại biểu của đại hội để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì chuẩn bị phiếu đề cử (Mẫu số 2) nộp cho đoàn chủ tịch đại hội; phiếu đề cử phải có ý kiến đồng ý của người được đề cử.

4.2. Việc ứng cử, đề cử ở đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương trở lên

a) Thủ tục, hồ sơ ứng cử

- Đại biểu chính thức ở đại hội đại biểu nếu ứng cử để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì làm đơn ứng cử (Mẫu số 1) nộp đoàn chủ tịch đại hội.

- Đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội nếu ứng cử để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì nộp hồ sơ ứng cử cho cơ quan tổ chức của cấp ủy triệu tập đại hội chậm nhất là 15 ngày làm việc trước ngày khai mạc đại hội. Hồ sơ của người ứng cử thực hiện theo Phụ lục số 01 kèm theo hướng dẫn này.

b) Thủ tục, hồ sơ đề cử

Đại biểu chính thức của đại hội nếu đề cử đảng viên chính thức trong đảng bộ không phải là đại biểu của đại hội để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì chuẩn bị hồ sơ đề cử, nộp đoàn chủ tịch đại hội. Hồ sơ đề cử thực hiện theo Phụ lục số 02 kèm theo hướng dẫn này.

4.3. Tại đại hội (hội nghị), nếu việc ứng cử, đề cử được tổ chức tại các đoàn đại biểu thì trưởng đoàn đại biểu tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử (không lấy danh nghĩa đoàn đại biểu đề cử; không biểu quyết danh sách ứng cử, đề cử tại đoàn) nộp đoàn chủ tịch đại hội (hội nghị).

4.4. Việc ứng cử, đề cử đối với cấp ủy viên từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương thực hiện theo Điều 13 Quy chế bầu cử trong Đảng.

5. Về trách nhiệm của người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội (Điều 11)

Tại đại hội, người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

6. Về việc cho rút và không cho rút khỏi danh sách bầu cử (Khoản 4, Khoản 5, Điều 5)

- Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử tại đại hội (hội nghị) và những người xin rút khỏi danh sách bầu cử; đề xuất cho rút khỏi danh sách bầu cử những trường hợp vi phạm Điều 13 Quy chế bầu cử trong Đảng, những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định bằng hình thức biểu quyết bằng phiếu hoặc giơ tay.

- Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử chưa đủ số dư 30% so với số lượng cần bầu thì đoàn chủ tịch đề xuất với đại hội (hội nghị) biểu quyết thông qua danh sách bầu cử.

- Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì tiến hành các thủ tục lấy phiếu xin ý kiến đại hội (hội nghị) đối với những người ứng cử, được đề cử tại đại hội (hội nghị).

Ví dụ: Đại hội đảng bộ huyện A biểu quyết số lượng cần bầu là 35 người. Cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị danh sách là 40 người (số dư so với số lượng cần bầu là 14,28%). Tại đại hội, có 11 người ứng cử và được đề cử.

Như vậy, tổng hợp danh sách là 51 người, có số dư 45,71% so với số lượng cần bầu.

Trong số những người ứng cử và được để cử, có 7 người xin rút, đại hội biểu quyết đồng ý cho 3 người rút, danh sách còn lại 48 người (trong đó có 8 người ứng cử, được đề cử tại đại hội), có số dư là 37,14% so với số lượng cần bầu; đoàn chủ tịch lập danh sách 8 người ứng cử, được đề cử tại đại hội để xin ý kiến đại hội để lựa chọn 5 người theo số phiếu đồng ý từ cao đến thấp (nếu chọn 6 người thì số dư sẽ là 31,42%, vượt quá 30%) khi đó danh sách có 45 người, số dư là 28,57% (đạt số dư không quá 30%).

Căn cứ kết quả kiểm phiếu, đoàn chủ tịch báo cáo lập danh sách bầu cử có 45 người (gồm 40 người do cấp ủy triệu tập đại hội giới thiệu và 5 người được đại hội lựa chọn trong số những người ứng cử, được đề cử), trình đại hội biểu quyết thông qua.

7. Việc lấy phiếu xin ý kiến đối với những người ứng cử, được đề cử tại đại hội (hội nghị)

- Đoàn chủ tịch lập tổ giúp việc kiểm phiếu xin ý kiến là những thành viên của đoàn thư ký. Trường hợp cần thiết đoàn chủ tịch có thể lựa chọn một số đại biểu chính thức (trong đại hội đại biểu) hoặc một số đảng viên chính thức (trong đại hội đảng viên) không có tên trong danh sách ứng cử, được đề cử tham gia tổ giúp việc kiểm phiếu.

- Phiếu xin ý kiến đại hội (hội nghị) thực hiện theo mẫu (Mẫu số 4), đóng dấu của cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) ở góc trái phía trên của phiếu (đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở hoặc đảng bộ bộ phận đóng dấu của đảng ủy cơ sở). Phiếu in họ và tên những người ứng cử, được đề cử tại đại hội (hội nghị) xếp thứ tự tên người theo vần A, B, C,...; nếu có nhiều người trùng tên thì xếp theo họ; nếu trùng cả họ thì xếp theo tên đệm; nếu cả 3 dữ kiện này đều trùng thì người có tuổi đảng cao hơn được xếp tên trên (nơi không có điều kiện in phiếu, tổ giúp việc có thể ghi danh sách trên phiếu).

- Đại biểu đại hội (hội nghị) lựa chọn, đánh dấu X vào ô đồng ý hoặc ô không đồng ý tương ứng với họ và tên người trong phiếu xin ý kiến.

- Tổ giúp việc kiểm phiếu hướng dẫn cách thức bỏ phiếu, kiểm tra, niêm phong thùng phiếu, phát phiếu, kiểm đếm và báo cáo đại hội (hội nghị) về số lượng phiếu phát ra và phiếu thu về; kiểm phiếu (tính kết quả phiếu xin ý kiến, phiếu hợp lệ, phiếu không hợp lệ được thực hiện tương tự như quy định về tính kết quả bầu cử), lập biên bản kiểm phiếu (Mẫu số 5), báo cáo đoàn chủ tịch để đoàn chủ tịch trình đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định.

8. Về số dư và danh sách bầu cử (Điều 16)

8.1. Trường hợp cần bầu lấy số lượng 1 người thì danh sách bầu cử là 2 người (Khoản 5, Điều 16). Trong trường hợp này, cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) chỉ nên lựa chọn giới thiệu 1 người.

- Trường hợp cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) đề cử 1 người và tại đại hội (hội nghị) không có người ứng cử, được đề cử thêm thì đoàn chủ tịch xin ý kiến đại hội (hội nghị) biểu quyết thông qua danh sách bầu cử là 1 người.

- Trường hợp cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) đề cử 1 người và tại đại hội (hội nghị) có người ứng cử, được đề cử thêm vượt quá 2 người thì đoàn chủ tịch lấy phiếu xin ý kiến đại hội (hội nghị) về người ứng cử, được đề cử thêm tại đại hội (hội nghị) để lựa chọn nhân sự lập danh sách bầu cử tối đa là 2 người.

8.2. Việc bầu ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện có số dư như bầu cấp ủy.

9. Về lấy phiếu giới thiệu bí thư cấp ủy

Sau khi đại hội bầu được cấp ủy khóa mới, đoàn chủ tịch đại hội chủ trì việc lấy phiếu giới thiệu của đại hội đối với nhân sự bí thư cấp ủy trong số các đồng chí vừa trúng cử cấp ủy viên. Ban kiểm phiếu của đại hội tổ chức kiểm phiếu, báo cáo kết quả với đoàn chủ tịch đại hội và cấp ủy cấp trên (thông qua đồng chí có thẩm quyền được cấp ủy cấp trên cử về dự và chỉ đạo); bàn giao biên bản kiểm phiếu và phiếu giới thiệu cho cấp ủy khóa mới (thông qua đồng chí triệu tập viên theo quy định tại Khoản 1, Điều 21 Quy chế bầu cử trong Đảng).

Cấp ủy khóa mới tiếp tục thực hiện quy trình để bầu bí thư cấp ủy theo tinh thần Hướng dẫn số 34-HD/BTCTW, ngày 8-10-2009 của Ban Tổ chức Trung ương (đối với trường hợp đại hội bầu trực tiếp bí thư); tổ chức công bố kết quả giới thiệu của đại hội về nhân sự bí thư tại hội nghị đầu tiên của cấp ủy khóa mới và thực hiện quy trình bầu bí thư theo quy định (đối với trường hợp đại hội không bầu trực tiếp bí thư). Nếu kết quả giới thiệu của đại hội khác với phương án nhân sự được duyệt thì báo cáo cấp ủy cấp trên cho ý kiến chỉ đạo trước khi bầu bí thư cấp ủy.

10. Danh sách trích ngang của các ứng cử viên (Điều 18)

Từ đại hội cấp huyện và tương đương trở lên, trước khi tiến hành bỏ phiếu chính thức, đoàn chủ tịch cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên (xếp thứ tự như danh sách bầu cử) để đại biểu nghiên cứu trước (Mẫu số 6).

11. Về việc bầu đủ số lượng đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên; triệu tập hoặc không triệu tập đại biểu thay thế đại biểu dự đại hội đối với một số trường hợp cụ thể (Điều 20)

11.1. Về số lượng đại biểu

Đại hội đảng bộ cấp dưới phải bầu đủ số lượng đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên; không được bầu quá số lượng quy định. Trường hợp bầu thiếu phải được đa số đại biểu biểu quyết tán thành và báo cáo với cấp ủy cấp trên.

11.2. Những trường hợp không triệu tập dự đại hội

- Những đảng viên ở đại hội đảng viên, những cấp ủy viên và những đại biểu ở đại hội đại biểu mà trước thời điểm khai mạc đại hội bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, bị khởi tố bị can, bị truy tố; những đại biểu được bầu nhưng không đúng nguyên tắc, thủ tục bầu cử.

- Những cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội đã có quyết định nghỉ hưu hoặc thông báo nghỉ hưu mà thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm khai mạc đại hội; hoặc chuyển công tác ra ngoài đảng bộ trước thời điểm khai mạc đại hội.

11.3. Về thay thế đại biểu

- Đại biểu chính thức do đại hội cấp dưới bầu mà không thể tham dự suốt thời gian đại hội thì cấp ủy cử đại biểu dự khuyết thay thế.

- Đại biểu chính thức sau khi được bầu đã chuyển sinh hoạt đảng ra ngoài đảng bộ (cấp triệu tập đại hội) thì tổ chức Đảng nơi đó được cử đại biểu dự khuyết thay thế. Nếu không có đại biểu dự khuyết thay thế, nơi có điều kiện thì bầu bổ sung đại biểu.

- Đại biểu chính thức vắng mặt những ngày đầu đại hội, đã có đại biểu dự khuyết thay thế, nhưng thời gian cuối đại hội có điều kiện tham dự đại hội, nếu được đoàn chủ tịch đại hội đồng ý mời dự thì được dự theo tư cách đại biểu mời.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 6-10-2014 của Ban Bí thư khóa XI, có hiệu lực kể từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) để xem xét, quyết định.

Theo TTXVN/Báo Tin tức