Đưa trái cây sạch đến với người tiêu dùng
Xã hội - Ngày đăng : 07:24, 30/03/2020
Vừa chọn mua hai giỏ táo New Zealand tại cửa hàng trái cây “Luôn tươi sạch” ở số 72 phố Trần Thái Tông - một trong những điểm được gắn biển nhận diện "Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn" đầu tiên của quận Cầu Giấy, chị Nguyễn Thanh Hà (trú tại ngõ 315 đường Cầu Giấy) chia sẻ: “Từ khi các cửa hàng được thành phố quản lý chặt về nguồn gốc trái cây và gắn biển nhận diện, tôi cũng như nhiều người khác thực sự tin tưởng vì chất lượng trái cây ở đây được bảo đảm”.
Giám đốc Điều hành hệ thống cửa hàng hoa quả “Luôn tươi sạch” Bùi Thế Dũng cho biết, để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, đơn vị đã cử cán bộ quản lý, nhân viên tham gia các buổi tập huấn do các cơ quan chức năng tổ chức, sau đó, làm việc với các đơn vị cung ứng, nhà nhập khẩu để bảo đảm cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm của trái cây. "Việc gắn biển nhận diện đã khẳng định cam kết của các cửa hàng, doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất. Nhờ được gắn biển, người tiêu dùng đã biết đến các sản phẩm của cửa hàng nhiều hơn, doanh thu của cửa hàng tăng từ 30% đến 50% so với khi chưa được cấp biển", ông Bùi Thế Dũng thông tin.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ, chuỗi cửa hàng kinh doanh trái cây tiếp cận được nguồn hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ rõ ràng, thành phố đã tổ chức các hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm, trái cây với các tỉnh Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương...; bước đầu tạo nên một thị trường giao thương trái cây an toàn, ổn định đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng ngày càng cao của người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục để nâng cao hiệu quả của đề án. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, tại các chợ dân sinh và các hộ kinh doanh trong các ngõ hẻm, quy mô kinh doanh trái cây nhỏ lẻ, không có hoặc không đầy đủ trang thiết bị bảo quản trái cây. Thêm vào đó, việc niêm yết giá ở một số cửa hàng chưa làm thường xuyên… Trong khi cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các phường, quận còn thiếu.
Trao đổi về giải pháp nâng cao hiệu quả Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Xuân Phạm Thị Lan Phương đề xuất, bên cạnh việc truyền thông, niêm yết danh sách cửa hàng gắn biển nhận diện, nên rà soát quỹ đất tại chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trái cây trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh.
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, Sở đã trình UBND thành phố Đề án tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn tiếp theo. Theo đó, UBND các quận tiếp tục nhân rộng mô hình tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng. Đối với 40 tuyến phố đã triển khai, không để tái diễn tình trạng kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè…
Để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh trái cây, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên khẳng định, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục giám sát các cửa hàng được gắn biển nhận diện; đồng thời xử lý các trường hợp kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm soát quá trình lưu thông, vận chuyển trái cây vào thành phố.