Những “pháo đài” chống dịch
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:04, 30/03/2020
Nắm chắc, bám sát địa bàn
“14 ngày thực hiện việc cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của ông Phạm Như Thơm, Tổ trưởng tổ dân phố số 4 (khu dân cư số 3, phường Cống Vị, quận Ba Đình) hằng ngày đều đặn chở nhu yếu phẩm đến cung cấp cho gia đình tôi. Chưa dừng lại ở đó, ông Thơm còn thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi sức khỏe của các thành viên trong gia đình tôi và người dân thuộc diện cách ly của tổ dân phố số 4”, bà Phạm Tân Hòa ở phố Kim Mã Thượng, phường Cống Vị xúc động kể lại. Bà Hòa cho biết, thời điểm nhận được thông tin về bệnh nhân số 21 nhiễm Covid-19, con dâu bà cũng xác định là đối tượng F1. Mặc dù gia đình bà thông báo đến tổ dân phố vào buổi tối, nhưng chỉ sau 1 giờ đã nhận được quyết định của UBND phường Cống Vị về áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà.
Không chỉ gia đình bà Hòa, trên địa bàn tổ dân phố số 4 còn có 8 gia đình với 42 người tự cách ly y tế tại nhà. Khi có thông tin về các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân số 21, ông Thơm đã đến từng nhà, kể cả các trường hợp người nước ngoài sinh sống trên địa bàn để nắm tình hình. Bên cạnh đó, ông còn tham gia nhóm liên lạc trên ứng dụng Zalo để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch Covid-19. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Cống Vị Trần Thị Thu Quỳnh, nhờ sự vào cuộc tích cực của cán bộ tổ dân phố và người dân, phường đã kiểm soát tốt các đối tượng F1, F2 trên địa bàn, không để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng...
Đến tổ dân phố số 16 (khu dân cư số 4, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) những ngày này có thể nhận thấy nhiều tờ áp phích tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 được dán tại bảng tin của tổ và những nơi đông người qua lại. Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Phó Tổ trưởng tổ dân phố số 16 cho biết, ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra, UBND phường Hàng Trống đã chỉ đạo Trạm Y tế phường phối hợp chặt chẽ với các tổ dân phố triển khai công tác phòng, chống dịch. Các poster, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn về cách tự phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế lây lan ra cộng đồng được phát đến từng hộ gia đình. “Bên cạnh việc huy động người dân tham gia tổng vệ sinh ngõ phố vào sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, Trạm Y tế phường cũng phối hợp chặt chẽ với tổ dân phố phun thuốc khử khuẩn tại các hộ gia đình có đối tượng F1, F2 và toàn bộ khu dân cư nhằm hạn chế dịch lây lan”, bà Khanh cho biết.
Đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của cán bộ ở các tổ dân phố trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn cho biết, với sự nhiệt tình, tâm huyết, nắm chắc và bám sát địa bàn, cán bộ ở các tổ dân phố không chỉ tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch mà còn hỗ trợ đắc lực cho UBND phường và công an khu vực trong việc giám sát các đối tượng F1, F2, giữ vững sự đoàn kết tại địa bàn dân cư, không để xảy ra tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Chủ động các giải pháp
Không chỉ các ngõ, phố, khu dân cư, tại các khu chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được thực hiện nghiêm túc với sự hưởng ứng, chấp hành tốt của cư dân. Tỉ mỉ cắm từng chiếc tăm lên miếng mút xốp, ông Trương Văn Sáu, Trưởng ban Quản lý khu nhà ở Hưng Thịnh (Khu đô thị mới Kiến Hưng, quận Hà Đông) cho biết, để phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh việc bố trí chai nước sát khuẩn, để cư dân hạn chế tiếp xúc với nút bấm thang máy, Ban Quản lý còn áp dụng việc dùng tăm để bấm nút thang máy. Hằng ngày, các thành viên Ban Quản lý đều đi kiểm tra số lượng tăm, nước sát khuẩn ở khu vực thang máy các tòa nhà để bổ sung kịp thời phục vụ cư dân.
Ông Đậu Huy Công, Phó Trưởng ban Quản trị khu nhà ở Hưng Thịnh kể lại, vào trưa 8-3, ngay sau khi một cư dân sinh sống trong khu nhà chủ động thông báo tự cách ly do là đối tượng F2, đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà đã tổ chức phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khu vực công cộng và hành lang tại 4 nguyên đơn, đồng thời tuyên truyền ổn định tâm lý cho cư dân. Bên cạnh đó, khu nhà cũng thông báo yêu cầu cư dân đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà, dùng nước sát khuẩn, tăm khi sử dụng thang máy… “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, áp dụng các biện pháp vệ sinh nên đến nay khu nhà vẫn được bảo đảm an toàn”, ông Công cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Sinh, chung cư T2, Time City (quận Hai Bà Trưng) cho biết, ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Ban Quản trị tòa nhà đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch. “Tất cả cư dân đều chấp hành việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Tại cửa thang máy, cổng ra vào các tòa nhà đều trang bị nước rửa tay sát khuẩn. Việc phun thuốc khử khuẩn được thực hiện định kỳ theo quy định nên đã góp phần tích cực trong việc kiểm soát dịch lây lan”, ông Sinh cho hay.
Tại khu chung cư phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được thực hiện nghiêm túc. Bà Võ Thị Hồng Thái, thành viên Ban Quản trị chung cư cho biết, ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, bên cạnh việc trang bị nước rửa tay sát khuẩn tại khu vực thang máy và khuyến cáo cư dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, UBND phường và tổ dân phố thường xuyên có các thông báo liên quan đến tình hình dịch Covid-19 và dán công khai ở bảng thông tin của tòa nhà để cư dân có thể bám sát diễn biến dịch bệnh. Ban Quản trị tòa nhà cũng lập nhóm Zalo với thành viên là 124 hộ dân tại khu chung cư. Mọi thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch được các thành viên cập nhật liên tục hằng ngày trên nhóm giúp các hộ gia đình nắm bắt kịp thời.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chung cư, tổ dân phố tại nội thành Hà Nội được xác định là những điểm có nguy cơ lây lan cao. Do vậy, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý tại khu chung cư, tổ dân phố trong công tác phòng, chống dịch rất đáng quý và trân trọng. Nỗ lực của họ đã và đang góp phần xây dựng các chung cư, tổ dân phố thành "pháo đài" trong cuộc chiến chống dịch Covid-19; cùng toàn thành phố đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống sớm trở lại bình yên.