Đốt vàng mã, thực trạng đáng báo động
Chính trị - Ngày đăng : 09:15, 19/02/2005
Quầy bán vàng mã lấn chiếm cả cổng đền Quán Thánh
Tục lệ đốt vàng mã lâu nay đã là thói quen của người Việt. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, vào các dịp lễ tết, ngày rằm, người ta thường sắm một lễ tiền vàng nho nhỏ, đốt cho người cõi âm. Việc đốt vàng mã khi đó mang yếu tố tâm linh, chi phí cho một lễ tiền vàng cũng không đáng kể
Xã hội phát triển “phú quý sinh lễ nghĩa” nên nhiều người cho rằng cứ đốt nhiều vàng mã thì càng đắc tài, sai lộc... Vì thế mà họ đốt thật lực. Mâm lễ dâng lên tổ tiên không chỉ có vài ba đồng tiền vàng mã mà có cả quần áo, ti vi, tủ lạnh, nhà lầu, xe hơi... Có không ít người đã bỏ ra hàng triệu đồng để sắmmột lễ vàng mã. “Con gà tức nhau tiếng gáy” đi lễ chùa thấy người ta “mâm cao cỗ đầy”, nhiều gia đình kinh tế hạn hẹp cũng cố chạy vạy để sắm một lễ vàng mã cho thật “hoành tráng” và tục lệ đốt vàng mã đã gây lãng phí không biết bao nhiêu tiền của.
Trong những ngày đầu năm mới ất Dậu, chúng tôi tới một số đền, chùa ở Hà Nội. Tại những nơi đặt bể hóa vàng, người ta đứng chen chúc nhau, thậm chí phải xếp hàng chờ đến lượt “gửi tiền và hàng cho cõi âm”. Bể hóa vàng lúc nào cũng đỏ rực ánh lửa, khói của các loại giấy bạc bốc khét lẹt, nhiều cây xanh trong khuôn viên chùa bị táp lávì lửa bốc lên quácao. Cứ vài tiếng đồng hồ, nhà chùa lại cử người đi dọn bể hóa vàng vì than đã đầy ắp.
Bỏ tiền thật mua tiền giả để đốt
Tuy nhiên,khi chúng tôi hỏi ông chủ cửa hàng về sự lãng phí trong việc đốt tiền vàng thì ông cười: “Kệ chứ, người ta cần thì mình bán. Khối người vẫn thích mang tiền thật mua tiền giả để đốt”.
Người xưa có câu: “Lễ nhạt lòng thành”, “Phật tại tâm”, đáng tiếc rằng tục đốt vàng mã hiện nay đã vật chất hóa sự linh thiêng, càng mê tín bao nhiêu, người ta lại càng đốt nhiều vàng mã bấy nhiêu.
Có thể nói, tục đốt vàng mã mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng nhưng để hạn chế sự lãng phí này, không còn cách nào khác là mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức của mình trong việc thực hành tiết kiệm.
HNM