Gần 100 triệu '"chiến sĩ" đồng lòng diệt '"giặc" Covid-19

Đời sống - Ngày đăng : 14:03, 31/03/2020

Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” - đó là thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi tới toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào ngày 30-3.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Mô hình “9 ngày nhân 10” không xảy ra ở Việt Nam

Tính đến sáng 31-3, tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có trên 784.000 ca mắc Covid-19 với trên 37.000 ca tử vong. Trong đó, Mỹ có 163.479 người mắc (3.148 ca tử vong), Italia - 101.739 (11.591), Tây Ban Nha - 87.956 (7.716), Iran - 41.495 (2.757).

Còn tại Việt Nam, cũng tính đến sáng 31-3, có 204 người mắc bệnh và không có ca tử vong. Trong số này đã có 57 người được điều trị khỏi bệnh, 147 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế (47 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 một hoặc hai lần).

Như vậy, mô hình “9 ngày nhân 10”, theo tính toán của một số “chuyên gia y tế”, đã không xảy ra ở Việt Nam.

“9 ngày nhân 10” là cách tính trung bình theo mức độ lây lan dịch Covid-19 trên thế giới. Tức là từ 100 ca nhiễm vi rút thì sau 9 ngày sẽ tăng lên 1.000 ca. Cụ thể, ngày 22-3, Việt Nam ghi nhận 100 ca mắc Covid-19 (không tính 16 ca trong giai đoạn 1), nếu áp đặt mô hình “9 ngày” vào việc dự báo dịch tễ thì trước ngày 1-4 chúng ta có khả năng có 1.000 ca mắc bệnh.

Tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ban, ngành sáng 27-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, đã khẳng định, đến ngày 31-3, tại Việt Nam sẽ không có con số 1.000 ca bệnh. Thực tế cho thấy, lời khẳng định này đã trở thành hiện thực, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam còn cách rất xa "mốc" 1.000 ca. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, chiều 30-3-2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo hãng tin Pháp - AFP, tỷ lệ lây nhiễm thông thường của vi rút SARS-CoV-2 hiện nay trên thế giới là một người có thể lây nhiễm cho hai hoặc ba người. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, ít nhất hai người bệnh đã được xếp vào diện các bệnh nhân siêu lây nhiễm (super-spreaders). Khái niệm này nói đến những người bệnh có thể lây nhiễm cho nhiều người hơn so với tỷ lệ lây nhiễm thông thường, đã xuất hiện trong các dịch bệnh trước như SARS và MERS. 

Đầu tiên là bệnh nhân quốc tịch Anh, sau khi dự hội nghị ở Singapore, người này đã đi trượt tuyết ở núi Alps và lây bệnh cho hơn 12 người, khi về nhà rất có thể còn lây bệnh cho 5 người nữa.

Còn tại Hàn Quốc, người phụ nữ được gọi là bệnh nhân số 31 cũng được xếp vào diện “siêu lây nhiễm” vì đã đổ bệnh cho hàng chục người.

Về mặt lý thuyết, một trong những đại lượng quan trọng nhất đối với một mô hình dịch bệnh là hệ số lây nhiễm cơ bản, hay thường gọi là “hệ số R0”. Nếu R0 < 1 (nhỏ hơn một, tức một bệnh nhân lây nhiễm cho ít hơn một người) thì dịch sẽ tắt trước khi kịp bùng phát, còn nếu R0 > 1 (lớn hơn một, tức một bệnh nhân lây nhiễm cho nhiều hơn một người), dịch sẽ bùng phát.

Trên thực tế, ở một số quốc gia, “hệ số R0” rất lớn. Hãy so sánh số ca mắc Covid-19 của các quốc gia Italia, Iran, Mỹ và Tây Ban Nha sau quãng thời gian 10 ngày, 6 ngày và 14 ngày.

Ngày 28-2: Italia - 655, Iran - 388, Mỹ - 60, Tây Ban Nha - 25
Ngày 10-3: Italia - 9.172, Iran - 7.161, Mỹ - 729, Tây Ban Nha - 1.231
Ngày 16-3: Italia - 24.747, Iran - 13.938, Mỹ - 3.667, Tây Ban Nha - 7.843
Ngày 30-3: Italia - 97.689, Iran - 38.309, Mỹ - 141.788, Tây Ban Nha - 80.110

Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2, số ca mắc Covid-19 tăng mạnh so với giai đoạn 1 (trước ngày 7-3) nhưng với tốc độ chậm hơn hẳn so với tuyệt đại đa số các quốc gia khác - từ 17 ca (ngày 7-3) lên 204 ca (ngày 31-3). Điều đặc biệt hơn nữa là ở nước ta không có trường hợp tử vong tính đến thời điểm này.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đó là do Việt Nam đã kiểm soát tốt các ổ dịch, thậm chí tiếp cận những điểm bị coi là ổ dịch tiềm năng để khoanh vùng, dập dịch ngay.

Vì sao có mốc xoay quanh hai tuần?

Người dân tới xét nghiệm tại điểm test nhanh ở trường THCS Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Ngày 27-3 là một mốc rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Lần đầu tiên kể từ đầu giai đoạn 2 chống dịch Covid-19 (tính từ ngày 7-3), trong số 10 ca bệnh mới thì số ca do lây lan từ cộng đồng (6) nhiều hơn số ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài (4).

Trong tháng 2, cả nước chỉ có 16 ca mắc, nhưng chỉ trong vòng 20 ngày (từ ngày 7 đến 27-3), đã có 137 ca mắc mới tại 23 tỉnh, thành phố, gấp trên 8,5 lần số ca mắc trước đó, đưa tổng số ca mắc lên 153; đã có hiện tượng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại một số thành phố lớn, gây lo lắng trong nhân dân. Nước ta bước vào giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ ngay trong ngày 27-3 đã ký Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu cả hệ thống chính trị quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ thị nêu rõ: Trong tháng 3-2020, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai rộng khắp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và của toàn dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu từ ngày 28-3 đến hết ngày 15-4; hạn chế tụ tập đông người; hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh; bảo vệ tốt nhất an toàn cho lực lượng bác sĩ, cán bộ y tế; xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự trường hợp không chấp hành các biện pháp cách ly…

Thời hạn quyết định sự thành bại của giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta xoay quanh trục hai tuần lễ. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, lý giải: Người mắc Covid-19 có thời gian ủ bệnh từ 1 đến 14 ngày, thường là 5 ngày. Thời gian ủ bệnh được tính từ khi bị nhiễm vi rút cho tới khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh.

Đa số các trường hợp mang vi rút sẽ lây cho người khác khi bắt đầu có triệu chứng hô hấp. Trong vòng 14 ngày, tính từ lần cuối tiếp xúc với nguồn lây, người đã có xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 vẫn có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Khi đó, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm lại để chẩn đoán bệnh. Nếu sau thời gian này mà không xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường thì họ không mắc bệnh.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 ra cộng đồng, những người tiếp xúc gần với ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 cần được cách ly 14 ngày. Một số trường hợp đặc biệt được chỉ định làm xét nghiệm khi bắt đầu đưa vào cách ly, dù có kết quả xét nghiệm âm tính thì vẫn phải tiếp tục cách ly đủ 14 ngày.

Hãy là “chiến sĩ diệt vi rút” theo cách của mình

Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (Hà Nội) vắng vẻ, ít người qua lại. Ảnh: TTXVN

Một ngày sau khi chủ trì cuộc họp trực tuyến và thị sát tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chiều 30-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ về nội dung này để đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn, tăng cường mô hình làm việc trực tuyến tại nhà, người dân hạn chế di chuyển nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Và ngày 31-3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nêu rõ: "Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc".

Theo Thủ tướng, việc đi lại của người dân còn quá đông trong khi dịch bệnh đang có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở nhà: “Việc này phải thực hiện cương quyết và không do dự. Tinh thần là tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó và nhà nào ở nhà đó, trừ các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, các bệnh viện - nơi phục vụ nhân dân".

Yếu tố “mọi người dân ở nhà” có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đánh thắng “giặc Covid-19” là do cơ chế lây truyền của vi rút corona chủng mới. 

Những nghiên cứu mới ở một vài quốc gia và đợt bùng phát dịch Covid-19 ở bang Massachusetts (Mỹ) đã đặt ra những câu hỏi cho các nhà chức trách nước này về việc đánh giá lại cách thức lây truyền của vi rút SARS-CoV-2.

Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, một số chuyên gia nhận định rằng mặc dù vẫn chưa rõ chính xác tỷ lệ lây nhiễm giữa những người có triệu chứng rõ ràng với những người chưa xuất hiện triệu chứng (hoặc có triệu chứng rất nhẹ), song chắc chắn việc lây nhiễm từ những người chưa xuất hiện triệu chứng (hoặc có triệu chứng nhẹ) ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn so với những đánh giá trước đây.

Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota (Mỹ) cho biết, việc truyền nhiễm khi chưa xuất hiện triệu chứng "chắc chắn đã gia tăng tình trạng lây nhiễm của dịch bệnh như hiện nay và khiến nó trở nên rất khó để kiểm soát".

Những người mắc bệnh nhưng chưa (hay không) xuất hiện triệu chứng là “quả bom nổ chậm” trong cộng đồng. Các lực lượng chức năng không thể cách ly họ và họ cũng không nhận biết được để tự cách ly, những người xung quanh càng không được cảnh báo để đề phòng.

Bởi vậy, trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, cách tốt nhất để tự vệ, gìn giữ cho gia đình, những người xung quanh, rộng hơn là đồng bào của mình, là “ở nhà” khi không thực sự cần thiết phải dịch chuyển.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp, sự hy sinh quên mình của lực lượng y, bác sĩ, quân đội, công an, sự tham gia tích cực của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể, các trưởng thôn, tổ dân phố, thanh niên tình nguyện… thì những người “ở hậu phương” có thể hỗ trợ cuộc chiến đấu với vi rút SARS-CoV-2 bằng cách ủng hộ vật chất, tinh thần cho “tiền tuyến”, chia sẻ thông tin tích cực lên mạng xã hội, không phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt hạn chế di chuyển, giữ khoảng cách an toàn…

Xe lưu động tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong các khu dân cư ở Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Tại hội nghị trực tuyến và thị sát qua hệ thống trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng) về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 29-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút... quyết chiến và toàn thắng”, chúng ta có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Thủ tướng có niềm tin sâu sắc sẽ chiến thắng dịch bệnh nếu gần 100 triệu "chiến sĩ" ở khắp mọi mặt trận “trên dưới đồng lòng, anh em đoàn kết, hiệp đồng tác chiến nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa với từng tình huống dịch bệnh xảy ra trên từng địa bàn, thành phố”.

Theo Trần Quang Vinh (TTXVN)