Vì sao xét nghiệm nhanh dương tính Covid-19 nhưng xét nghiệm khẳng định lại âm tính?
Sức khỏe - Ngày đăng : 19:56, 01/04/2020
Sau khi tiếp tục xét nghiệm trên hệ thống kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử (Realtime RT-PCR) để khẳng định chắc chắn ca mắc Covid-19, đã có 3/7 mẫu được loại trừ, tức là 3 mẫu này khi xét nghiệm khẳng định lại cho kết quả âm tính với Covid-19 và 4 trường hợp nghi ngờ vẫn đang chờ xét nghiệm khẳng định lại.
Vậy, vì sao xét nghiệm nhanh là dương tính với Covid-19, nhưng xét nghiệm khẳng định lại là âm tính?
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, việc triển khai xét nghiệm nhanh nói trên là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ, những người đang thuộc diện cách ly có tiền sử dịch tễ đi, đến, ở khu vực có ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai.
Đây là xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh, có kết quả chỉ trong 10 phút, vì thế sẽ hỗ trợ cho việc chẩn đoán và triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là sớm khoanh vùng, khống chế, tránh mầm bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, test nhanh có 2 loại: 1 loại là phân loại kháng nguyên, 1 loại là phân loại kháng thể. Kháng thể sinh ra để chống lại các tác nhân vi rút, nên khi phát hiện có kháng thể thì cũng có nghĩa rằng, cơ thể có thể đã xuất hiện vi rút xâm nhập. Khi nồng độ kháng thể đủ lớn thì test mới phát hiện được nhiễm bệnh, còn nếu thấp quá thì cũng chưa phát hiện được nhiễm bệnh.
"Phương pháp test nhanh này chỉ có tính chất sàng lọc. Còn đối với việc chẩn đoán người mắc Covid-19 thì phải được xét nghiệm khẳng định lại bằng phương pháp Realtime RT-PCR theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Chính vì vậy, các trường hợp nếu test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (vi rút gây bệnh Covid-19) thì cần tiếp tục xét nghiệm khẳng định bằng Realtime RT-PCR", PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm khẳng định.
Ông cũng đưa ra khuyến cáo, khi test nhanh có kết quả âm tính, nếu trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh Covid-19 dưới 7 ngày mà kết quả âm tính thì chưa khẳng định được là có nhiễm bệnh hay không và cần tiếp tục cách ly tại nhà, khoảng 5-7 ngày sau tiến hành xét nghiệm lại. Trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh từ 7 ngày trở lên mà xét nghiệm âm tính thì về cơ bản có thể yên tâm.
"Tuy nhiên, về nguyên tắc, vẫn phải tiếp tục cách ly 14 ngày theo quy định và khi có biểu hiện ho, sốt, cần báo cho nhân viên y tế tại địa phương để thực hiện xét nghiệm", PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm lưu ý.
Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, xét nghiệm sàng lọc Covid-19 mà Hà Nội đang triển khai nhằm sàng lọc xem quần thể đó có số người nhiễm bệnh như thế nào. Việc xét nghiệm này sẽ tập trung vào những vùng có nguy cơ cao.
"Khi phát hiện nhanh những trường hợp có khả năng có thể nhiễm bệnh, chúng ta tiếp tục làm các biện pháp xét nghiệm khẳng định nhằm chẩn đoán chính xác những trường hợp đó đã nhiễm bệnh chưa", PGS.TS Trần Đắc Phu giải thích.
Khi test nhanh là dương tính nhưng khi xét nghiệm khẳng định lại cho kết quả là âm tính thì có thể người ta đã mắc rồi nhưng hiện vi rút không còn tồn tại trong cơ thể nữa, do đó kết quả xét nghiệm là âm tính.
PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, kể cả xét nghiệm phát hiện kháng thể cũng chưa thể khẳng định 100% là người này đã nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hay chưa. Do đó, bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR để khẳng định chắc chắn.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, kể cả phương pháp xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm khẳng định đều có những thuận lợi và hạn chế nhất định. Mỗi phương pháp sẽ có những tính ưu việt riêng.
"Trong thời điểm hiện tại, chúng ta cần phải áp dụng nhiều biện pháp. Ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới họ cũng làm như vậy với mục đích tìm ra phương pháp ngăn chặn dịch kịp thời nhất", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.