Cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số báo chí

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 12:46, 14/10/2022

(HNMO) - Sáng 14-10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện – Xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại”.

Cuộc hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề về chuyển đổi số báo chí và truyền thông đa phương tiện để tìm ra giải pháp cho hệ thống truyền thông báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam phát triển và sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, thu hút đông đảo bạn đọc.

TS Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, công nghệ và môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phát biểu tại hội thảo.

Theo TS Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, công nghệ và môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu. 

Hiện nay, độc giả không chỉ có nhu cầu tiếp cận nhiều thông tin hơn mà còn cần nhanh, chủ động, tăng tiện ích, tăng trải nghiệm, cạnh tranh được với mạng xã hội. Vì vậy, mỗi tòa soạn báo chí phải có cách truyền tải thông tin đáp ứng được các yêu cầu đó. Chuyển đổi số nếu thực hiện thành công sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung cũng như phương thức tiếp cận với độc giả. 

Bà Trần Thị Giang, Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay cho rằng, muốn chuyển đổi số báo chí cần có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và nhân lực (bao gồm đội ngũ phóng viên, biên tập viên, các kỹ sư công nghệ biết phát triển giải pháp công nghệ trong tòa soạn báo chí, bảo đảm an ninh mạng). Hiện nay, số lượng cơ quan báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam có giấy phép xuất bản chính thức báo/tạp chí điện tử còn ít (chỉ khoảng 50%), hầu hết là các tạp chí chuyên ngành tự chủ tài chính, tiềm lực hạn chế… Vì thế, nên lựa chọn mô hình tăng trưởng theo chiều sâu (bạn đọc trung thành).

“Chuyển đổi số phải dựa vào công nghệ nhưng giữ được giá trị cốt lõi của tờ báo/tạp chí (tăng trưởng theo chiều sâu) mới là chuyển đổi số thành công” – bà Giang nhấn mạnh. 

Quang cảnh buổi hội thảo.

Theo nhà báo Đặng Đình Chấn (Tạp chí Việt Nam hội nhập), để các cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí rất quan trọng. Không chỉ là tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm các công nghệ mới mà còn hỗ trợ 3 nền tảng giúp các cơ quan báo chí chuyển đổi số; bao gồm: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần; hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. 

Ông Vũ Xuân Bân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển cũng cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông cần có phương án để chỉ đạo xây dựng phù hợp trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, để từ đó làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội trở thành dòng chảy chính về thông tin, có vai trò định hướng dư luận trên không gian mạng.

Thu Hằng