Nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 01/04/2020

(HNM) - Ngày 31-3, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã họp bàn về các giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Việc này được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và các đối tượng yếu thế vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ cho người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng, các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng và không hưởng lương; hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó là người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức (không có hợp đồng lao động), người buôn bán nhỏ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Bộ cũng đề xuất hỗ trợ người ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên…

Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi với người có công với cách mạng nên tăng từ 1,624 triệu đồng theo quy định hiện hành, lên mức 1,744 triệu đồng (tăng 120.000 đồng); nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội từ 270.000 đồng lên 500.000 đồng (tăng 230.000 đồng).

Mức thu nhập để xác định chuẩn mức sống tối thiểu là 1,2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,6 triệu đồng/ người/tháng ở khu vực thành thị; chuẩn mức sống trung bình là 1,8 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2,4 triệu đồng/ người/tháng ở khu vực thành thị. Theo đề xuất này, thì hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới mức sống tối thiểu (tương ứng cho khu vực thành thị/nông thôn); hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới mức sống trung bình…

Với người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các nhóm giải pháp để hỗ trợ, gồm: Nhóm về bảo hiểm xã hội; nhóm về bảo hiểm thất nghiệp; nhóm hỗ trợ từ ngân sách trung ương; nhóm hỗ trợ từ ngân sách địa phương; chính sách tín dụng với lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; nhóm đề xuất liên quan tới dừng đóng, giảm kinh phí công đoàn.

Điều này đồng nghĩa, những doanh nghiệp có hơn 50% số người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 và doanh nghiệp bị giảm thu 50% do ảnh hưởng của dịch sẽ được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí và tử tuất trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 12-2020. Ước tính cả nước có khoảng 1,5-3 triệu người lao động và từ 100.000 đến 200.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ với số tiền dự kiến từ 25.000 đến 49.000 tỷ đồng. Đặc biệt, một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 sẽ được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để trả lương cho người lao động.

Những đề xuất, kiến nghị nêu trên được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ, để Chính phủ cho ý kiến trong kỳ họp tới.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài là nguyên nhân cơ bản dẫn đến ngừng trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hẹp và hạn chế xuất, nhập khẩu ở hầu hết lĩnh vực, ngành nghề, nhất là ngành sản xuất công nghiệp, dệt may, du lịch, dịch vụ, giao thông... Dự báo, nước ta có khoảng 3 triệu lao động và 200.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là người dân vùng khó khăn, người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội tối thiểu…

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đánh giá, các đối tượng cần được hỗ trợ theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là phù hợp, khả thi; là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Tại Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề xuất giải pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, người lao động bị mất việc hoặc giảm giờ làm.

Hà Hiền