"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Xã hội - Ngày đăng : 07:03, 03/04/2020

(HNM) - Nằm kề ngay "tâm dịch" Covid-19, những bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do vừa phải chữa bệnh, vừa phải chống dịch. Nhưng, họ không đơn độc vì luôn được bao bọc trong sự sẻ chia, quan tâm của các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội. Qua gian nan mới thấy, trong cuộc chiến chống lại Covid-19, tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” - càng sáng rõ hơn bởi các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố đã luôn đồng hành, chung tay với họ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này.

Bệnh nhân xóm chạy thận ở phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) nhận nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm. Ảnh: Triệu Hoa

Ở đây không thiếu thốn thứ gì...

Chiều 1-4, tại chốt cách ly ngay đầu xóm trọ của những bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai (ngõ 121 Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng), ông Mai Anh Tuấn (43 tuổi, quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội), Trưởng xóm chạy thận bận bịu khi liên tục vào sổ theo dõi việc đi lại của bệnh nhân, lại vừa thông báo, mời bà con ra nhận gạo, dầu ăn, nước mắm, sữa và khẩu trang. Ông Tuấn cho biết, từ ngày 30-3, khi liên tiếp phát hiện người nhiễm Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, 131 bệnh nhân trong xóm, trong đó có 87 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai (số bệnh nhân còn lại chạy thận ở Bệnh viện Bưu điện) được tạo điều kiện cách ly ngay tại xóm.

Để bệnh nhân chạy thận yên tâm, hằng ngày, họ được cán bộ y tế của phường đón tận nơi, đón ra xe của lực lượng quân đội bố trí đưa sang viện. Đến nơi, các nhân viên Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai sẽ đón mọi người và đưa vào bằng lối riêng. Các bệnh nhân chạy thận mỗi tuần 3 lần, xen kẽ nhau, đều được “đặc cách” đưa đón để giữ an toàn do sức đề kháng của mỗi người đều kém. Họ được theo dõi sát sao diễn biến sức khỏe. “Ngay từ ngày đầu tiên thực hiện cách ly, bà con trong xóm đã được cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, quận Hai Bà Trưng và phường Đồng Tâm đã hỗ trợ các gia đình 1 tấn gạo và mỗi bệnh nhân 1,2 triệu đồng. Sau đó, liên tiếp các tổ chức, cá nhân hảo tâm khác trong những ngày qua cũng đã thông qua chính quyền phường hoặc trực tiếp hỗ trợ thêm cho bà con, từ hộp khẩu trang cho đến gói muối gia vị, chai dầu ăn, nước mắm, đường sữa… để không ai phải thiếu thốn”, ông Tuấn nói.

Trong câu chuyện với những bệnh nhân ở xóm trọ này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của họ. Họ luôn được sống trong những cảm giác ấm áp như thế, bởi mỗi ngày đều nhận được sự động viên, quan tâm kịp thời và tình cảm sẻ chia yêu thương mà các cấp chính quyền thành phố cũng như cả cộng đồng đang hướng về.

Chờ xếp hàng để nhận gạo trong chiều 1-4, ông Phạm Xuân Trường (67 tuổi, quê Nam Định), bệnh nhân chạy thận năm thứ 6 tại Bệnh viện Bạch Mai rất vui vì xóm chạy thận những ngày này nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. “Người trong xóm liên tục được mời ra nhận quà. Đúng là giống như Tết, khi chúng tôi được sự quan tâm nhiều đến thế này”, ông Trường xúc động so sánh.

Còn với chị Đoàn Thị Lực (quê Bắc Giang), vừa về đến nhà, thấy chị em trong xóm í ới gọi nhau ra nhận gạo, nhận sữa, chị tranh thủ ra nhận hộ luôn cho cả hai bệnh nhân khác trong ngõ đang đi chạy thận ca 3. “Lúc đầu mới có dịch, tôi còn lo đi đong thêm mấy cân gạo, nhưng giờ được cho nhiều gạo thế này, tôi ăn cũng không hết”, người phụ nữ 53 tuổi chỉ vào những bao gạo trong phòng trọ, cười an tâm. “Chồng con dưới quê liên tục gọi điện lo lắng nhưng tôi còn động viên ngược lại mọi người, vì tôi ở đây đã có Nhà nước, cơ quan, đoàn thể, nhiều nhà hảo tâm chăm lo, không thiếu thốn thứ gì”, chị Lực cười vui.

Cùng chung tay chống dịch

Khi dịch bùng phát, những bệnh nhân chạy thận là người chịu nhiều thiệt thòi và nhiều nguy cơ do họ đang mắc bệnh nền. Với tinh thần, “không ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp ủy Đảng, chính quyền Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã luôn quan tâm đến những bệnh nhân đặc biệt này. Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm Lê Khánh Giang cho biết, thực phẩm bà con cần dùng được thống kê, chuyển tới một siêu thị để chuyển vào hằng ngày. Những nhu yếu phẩm khác như, gạo, dầu ăn, gia vị, sữa, khẩu trang… đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và phường vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân gửi tặng đầy đủ. Những ngày tới, phường sẽ tiếp tục chuyển thêm những thực phẩm khô, dễ bảo quản để bữa ăn của bà con thêm phong phú, chất lượng.

Trên địa bàn phường Phương Mai (quận Đống Đa) cũng có nhiều bệnh nhân chạy thận ở trọ tại nhà E5, khu tập thể Phương Mai; Chủ tịch UBND phường Phương Mai Hoàng Thị Bảo Phương cũng chia sẻ: Phường đã giao tổ dân phố hỗ trợ mua nhu yếu phẩm và giúp đỡ những việc cần thiết khác để người chạy thận tuân thủ cách ly nhưng vẫn bảo đảm sức khỏe...

Là những người phải rất chú ý giữ gìn sức khỏe, nên những người ở xóm trọ rất quan tâm đến các thông tin về phòng, chống dịch bệnh. Từ những thông tin được phường sở tại, các cấp, các ngành tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin, người dân ở đây rất chủ động trong phòng, chống dịch...

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Vũ Thị Ngát (63 tuổi) kể, trước đây vẫn tranh thủ đi nhặt “đồng nát”, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nhưng 2 tuần gần đây, do dịch Covid-19 nên bà chỉ loanh quanh trong phòng trọ. Đặc biệt, khi nghe phường tuyên truyền về việc cách ly xã hội, bà chỉ ở trong nhà, chuyên tâm việc cơm nước phục vụ chồng, bởi "Số gạo, thực phẩm liên tục nhận được những ngày qua là thoải mái để duy trì cuộc sống hằng ngày. Việc chồng tôi đi chạy thận giờ lại có cả xe đưa đón nên tôi càng yên tâm hơn". Trong khi đó, khi xếp hàng chờ nhận gạo, ông Trường (chồng bà Ngát) cũng có ý thức giữ khoảng cách với mọi người để "giữ cho mình, mà cũng là giữ cả cho những người khác nữa khỏi bị lây bởi "giặc" Covid-19"...

Trong khi đó, từ sau khi phát hiện ca bệnh thứ 17 tại Hà Nội, lại nhận được khuyến cáo hằng ngày của các cấp chính quyền, Bộ Y tế... về cách phòng dịch, chị Đoàn Thị Lực đã thay đổi hẳn thói quen chợ búa, cơm nước. Thay vì đi chợ hằng ngày, chị đi một lần mua tôm khô, thịt ăn cho cả tuần. Còn như chị Nguyễn Thị Thuật (46 tuổi, quê Phú Thọ), chị đã tạm ngừng việc bán nước chè ngay trong bệnh viện và yên tâm vì đã có nguồn hỗ trợ thực phẩm từ các cấp, các ngành và nhà hảo tâm...

... Cư dân xóm chạy thận an tâm thực hiện cách ly trong sự quan tâm của cấp chính quyền và cả cộng đồng hướng về. Sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau, mà tất cả cùng sẻ chia, đồng lòng, chung tay chống lại dịch bệnh, để cùng nỗ lực và quyết tâm chiến thắng "giặc" Covid-19. Đó là chiến thắng của tình người, của sự sẻ chia...

Bảo Hân